Đặc điểm giống nai
I. Giống và đặc điểm giống
1. Tên gọi:
Tên thường gọi là nai.
Nai đã được thuần hoá ở nhiều nơi trên thế giới, ở Việt Nam nai cũng đã được nuôi khoảng 1 thế kỷ nay.
2. Vóc dáng:
Cân đối, nhanh nhẹn, chân dài và nhỏ, cổ dài, đầu nhỏ, tai to và thính.
Con đực lớn hơn con cái, lúc trưởng thành, con đực nặng 200- 250 kg, con cái nặng 100 – 150 kg.
Da nai màu tro hay xám đen.
Lông nai có màu hung đen hay nâu sẫm, con đực sẫm hơn con cái.
Dọc theo chính sống lưng và có lông dài và sẫm hơn.
Chỉ có nai đực mới có sừng, sừng có 3-4 nhánh.
3. Tập tính sinh hoạt, tuổi thọ và môi trường sống:
Nai nhút nhát, hiền lành, thính giác, khứu giác tốt; thích sống theo bầy đàn nhỏ vào ba con.
Tuổi thọ của nai khoảng 25-30 năm.
Môi trường sống thích hợp là trảng cỏ, rừng thưa có nhiều cây, cỏ non…
Ban ngày nai thường tìm nơi nên tĩnh, kín đáo và an toàn để ngủ, nghỉ…
ban đêm tìm kiếm thức ăn và những hoạt động khác…
4. Thức ăn:
Bao gồm, thức ăn xanh tươi (cỏ, cây các loại), thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả), muối khoáng như tro bếp, đất sét… Thực tế cho thấy, nai thường tìm đến nương rẫy mới đốt kiếm tro, đất sét để ăn.
5. Sinh trưởng, phát triển:
Khoảng nửa giờ sau khi sinh, nai con có thể đứng dậy bú mẹ; 15-20 ngày bắt đầu tập ăn cỏ, lá cây: 1, 5 tháng chạy nhảy, hoạt động như nai trưởng thành.
Nai sơ sinh nặng 4-5 kg/con, 1 tháng nặng 10- 15 kg, 6 tháng nặng 40-50 kg, 12 tháng có thể đạt trọng lượng trưởng thành.
Sau một năm tuổi nai đực sẽ mọc sừng.
Cặp sừng đầu tiên không phân nhánh, dài khoảng 20- 30cm.
Nai rụng sừng cũ và mọc sừng mới mỗi năm một lần vào mùa xuân.
Sau khi rụng sừng cũ 15-20 ngày, cặp sừng mới bắt đầu mọc.
Sừng non mới mọc có màu hồng nhạt, đầy dưỡng chất, ngoài phủ một lớp lông tơ màu trắng xám, mịn, mượt mà như nhung nên gọi là nhung.
Nhung của những lần mọc sau dài 3-4cm thì bắt đầu phân nhánh, được 20-25cm thì phân nhánh lần thứ 2.
Nhung già hóa sừng gọi là gạc nai.
6. Sinh sản:
Nai động dục theo mùa, thường vào mùa thu từ tháng 9-10.
Mùa động dục nai ít ăn…
Nai đực hung hăng, đi lại tìm cái, đầu cúi gằm xuống, sừng chĩa về phía trước, hai chân trước cào bới đất như sẵn sàng lao vào cuộc chiến…
Hai dịch hoàn cương to, dương vật tiết ra nước màu nâu đen có mùi đặc trưng khai và hôi.
Nai cái, thời gian động dục kéo dài 1 -3 ngày, thích gần đực, âm hộ xung huyết phồng to và tiết ra dịch nhờn màu trắng…
Nai đực thành thục sinh dục hơn 2năm tuổi, nai cái sớm hơn, 12-14 tháng tuổi đã có thể phối giống, 21 -24 tháng tuổi đã có thể đẻ lứa đầu.
Sau khi đẻ 2- 4 tháng nai cái sẽ động dục trở lại.
Thời gian mang thai trung bình 280 ngày.
Nai tơ mang thai dài hơn nai già.
Trước khi đẻ vài ngày nai mẹ hoạt động chậm chạp, lười biếng và thường tách đàn nằm nghỉ, bầu vú căng, sa xuống, âm hộ xung huyết…
Nai thường đẻ vào ban đêm, đẻ xong nai mẹ cắn rốn, liếm khô con và khu vực xung quanh cho nai con sạch sẽ, ấm áp …
Nai cái thường đẻ mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa 1-2 con, nai đực mỗi năm cắt được một hoặc hai cặp nhung…