Xử Lý Ao Trong Quá Trình Nuôi Tôm
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cứ 1 ha nuôi tôm sau thu hoạch sẽ thải ra môi trường nước 133 kg nitơ, và 43 kg phốt – pho. Vì vậy, việc xử lý nước trong quà trình nuôi tôm có ý nghĩa rất quan trọng. Thuỷ sản Việt Nam xin giới thiệu 3 phương pháp được nhiều địa phương áp dụng và cho kết quả tốt.
Nuôi cá rô phi và rong biển
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khuyến ngư (TTKN) Phú Yên, chất lượng nước trong các ao nuôi tôm không thả cá rô phi và rong câu thường có sự biến động lớn về các thành phần như nitơ, phốt-pho, nitơ, chlorophyll-a… Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho một số loại tảo và vi khuẩn có cơ hội phát triển mạnh làm cho lượng oxy trong ao giảm đi nhanh chóng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tôm nuôi.
Để khắc phục, nên thả cá rô phi với mật độ 3 – 4 con/m2 cùng với 300 gram rong câu/m2 cho mô hình trang trại nuôi tôm có ao xử lý nước thải riêng biệt. Với mật độ đó, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa cùng các chất vô cơ cho kết quả cao nhất. Qua đó, nồng độ nitơ, phốt-pho… luôn được kiểm soát tốt nhất.
Phương pháp Xiphông
Ưu điểm của phương pháp này là có thể hút hết những chất hữu cơ bị phân huỷ dưới đáy ao nuôi tôm. Làm tăng lượng oxy hoà tan trong nước, kéo dài thời gian nuôi, hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí sử dụng hoá chất trực tiếp để xử lý nền đáy.
Dụng cụ làm xiphông là 2 ống nhựa PVC có đường kính 10 -12 cm, chiều dài 1-1,2 m, được nối với nhau thành hình chữ T. Ở trên đoạn đầu chữ T khoan nhiều lỗ nhỏ (Lưu ý: lỗ nhỏ hơn kích thước của tôm nuôi trong ao). Phần cuối của chữ T được nối vào đầu hút nước của bơm ly tâm (có cánh quạt hút nước), còn bơm ly tâm được nối với ống dài của động cơ. Bằng thiết kế này, xiphông có thể hút hết chất bùn và chất thải theo một hướng, đồng thời tôm nuôi không bị hút vào khi bơm ly tâm hoạt động. Bùn và các chất thải theo các lỗ nhỏ trên đoạn đầu chữ T đến bơm ly tâm thoát ra ngoài theo ống nước xả.
Xử lý nước bằng tia cực tím
Hệ thống bao gồm một bể tràn là bồn chứa nước khoảng 350 lít, 10 bóng đèn tia cực tím, máng nước bằng tôm hoặc bằng nhựa, nguồn điện phân, lưới mịn và nguồn điện có công suất 1.000W lấy từ nguồn máy nổ sục khí. Khi hút vào bể tràn, nước sẽ được nén và đi qua lưới lọc rồi chảy vào máng, nơi lắp đặt hệ thống đèn chiếu tia cực tím và nguồn điện phân.
Nhờ cách lắp đặt đèn và hệ thống làm xáo trộn, nước sẽ được tiếp xúc với đèn tia cực tím, cộng với nguồn điện phân sẽ diệt số lượng lớn vi khuẩn trước khi vào ao nuôi. Theo kết quả thử nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên, kết quả thí nghiệm rất khả quan với khả năng diệt khuẩn là 85 %, cụ thể mẫu nước chỉ còn lại 500 cá thể so với 3.800 cá thể vi khuẩn ban đầu.
Cả ba phương pháp này đều không sử dụng hoá chất trong ao nuôi, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, đáp ứng những thay đổi nhanh chóng và yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu hiện nay. Cách thức và phương pháp sử dụng rất đơn giản nhưng cho tôm nuôi thuơng phẩm đạt chất lượng cao, không có kháng sinh, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mà lại cho lợi nhuận cao.