Xây dựng chuồng trại nuôi gà công nghiệp
Nuôi gà công nghiệp dù nuôi với mục đích lấy thịt hay lấy trứng ta cũng phải nuôi nhốt trong chuồng trại chứ không phải nuôi thả rong như cách nuôi gà thả vườn. Vì vậy, việc thiết lập chuồng trại đúng với kỹ thuật là điều cần phải quan tâm đúng mức, chứ không thể làm đơn giản, qua loa, tùy tiện ra sao cũng được. Xin được lưu ý, chính khâu chuồng trại đã ảnh hưởng lớn đến sự thành công hay thất bại trong việc nuôi gà theo cách nuôi nhốt này.
1. Vị trí lập chuồng trại
Chuồng trại nuôi gà công nghiệp phải nằm trên vùng đất cao ráo, thoáng mát, chung quanh không có ao tù nước đọng. Vì ở nơi ẩm thấp lạnh lẽo như vậy gà thường bị cảm lạnh, sổ mũi. Và nguy hiểm hơn chúng có thể bị lây nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm gây hại cho sức khỏe nên ốm yếu và sinh sản kém.
Trong trường hợp phải lập chuồng trại ở vùng đất thấp thì phải đồ nền cao lên, đồng thời bắt tay vào việc khai thông mương rãnh để thoát nước được dễ dàng, dù trong mùa mưa lũ hoặc triều cường.
Vị trí lập chuồng trại nuôi gà công nghiệp cũng nên tránh xa nơi ô uế, nơi có nhiều rác rến, ruồi nhặng, chuột bọ, khiến môi trường sống của gà nuôi bị ô nhiễm, gây ra nhiều tật bệnh nguy hiểm cho sức khỏe của gà.
Chuồng cũng nên làm xa khu vực dân cư sinh sống, để tránh gây ô nhiễm môi trướng sống của con người.
2. Hướng chuồng
Cũng như nhà ở của con người, khi dựng chuồng trại nuôi gà công nghiệp, ta cũng nên chọn các hướng thích hợp. Có như vậy gà mới tránh được nhiều bệnh tật, sống sở sơ mau lớn và sinh sản tốt.
Một trong hai hướng chuồng sau đây nên chọn là hướng chính Đông hay hướng Đông Nam.
Chuồng gà được làm quay về một trong hai hướng này thì hàng ngày đều được ánh nắng ban mai chiếu rọi thẳng vào tận đáy chuồng, làm cho chuồng gà được ấm áp, khô ráo lại góp phần tiêu diệt hết các mầm mống bệnh tật do các vi trùng, vi khuẩn ẩn nấp khắp nơi trong chuồng gây ra.
Nhờ được tắm ánh nắng sáng hàng ngày, gà có cơ hội tốt để hong khô bộ lông vũ, làm ung hết trứng rận mạt, và xua đuổi hết những con vật kí sinh này, không còn chui rúc dưới lớp lông gà để hút máu mà sống.
Chúng ta cũng biết trong ánh nắng có chứa nhiều tia cực tím cần thiết cho sự sinh trưởng của gà, giúp cơ thể gà tự tổng hợp được nhiều vitamin D3, làm cho xương được cứng chắc, vỏ trứng dày hơn và gà khỏe mạnh hơn.
Nên tránh làm chuồng quay về hướng Tây vì sẽ bị nắng chiều oi bức chiếu rọi vào khiến không khí trong chuồng nóng bức gây cho gà bị hóc nắng, thở mệt nhọc, dẫn đến bị bệnh sưng phổi khó trị.
Trong nắng chiều có chứa nhiều tia hồng ngoại làm chất vitamin D3 trong cơ thể gà bị tiêu mòn, khiến gà gầy còm, biếng ăn ngủ và yếu sức.
Cũng nên tránh làm chuồng quay về hướng Bắc để tránh gió lạnh thở vào khiến gà dễ bị cảm lạnh, sổ mũi sưng phổi mà chết.
Tóm lại, chọn chuồng quay về hướng Đông hay Đông Nam là cách bảo vệ sức khỏe của gà tốt nhất.
3. Nền chuồng nuôi gà công nghiệp
Nuôi gà công nghiệp chỉ nhốt trong chuồng. Chuồng có nhiều loại: Loại chỉ nuôi nhốt từng cá thể riêng một ngăn với diễn tích đủ rộng cho nó xoay trở. Hoặc nuôi nhốt tập thể năm bảy chục con, vài ba trăm con trong một gian chuồng đủ rộng cho gà vận động.
Theo cách nuôi tập thể này, bầy gà có thể sống ngay trên nền chuồng, hoặc sống trên sàn làm cao cách nền chuồng chừng một mét. Sàn làm bằng lưới kẽm hay bằng nẹp tre, nẹp gỗ ghép lại như vạt giường để gà sống trên đó, ăn ngủ trên sàn đó. Farmvina sẽ trình bày kỹ vấn đề này trong mục “Chuồng gà” ở phần sau.
Nhưng, dù nuôi gà công nghiệp với kiểu chuồng nào thì ngoài yêu cầu phải cao ráo, không ẩm thấp, còn phải bằng phẳng mới tốt.
Nền chuồng nuôi gà công nghiệp có thể là nền đất hoặc tráng xi măng hay lót gạch tàu. Làm nền đất thì ít tốn kém nhưng không sử dụng được lâu.
Còn tráng nền bằng xi mặng hay lót gạch tàu thì tốn kém nhiều tiền nhưng dùng được bền bỉ. Chắc chắn người nuôi gà công nghiệp nào cũng biết rõ điều đó.
Nếu là nền đất thì phải nện đất thật dẽ, thật lún cứng xuống, có như vậy gà mới không bươi xới lên được, đồng thời chuột bọ bên ngoài cũng khó đào hang chui vào chuồng ăn hết thức ăn của gà. Còn nền tráng xi măng hay lót gạch tàu thì tuy có tốn kém nhiều nhưng đem lại nhiều điều lợi. Trước hết là nền chuồng kiểu này rất hợp vệ sinh, dễ quét dọn, thứ hai là sử dụng được về lâu về dài.
Xin lưu ý là gà công nghiệp ăn uống nhiều lại quanh quẩn sống tại chỗ nên phóng uế nhiều, do đó nếu khâu vệ sinh làm không tốt thì chuồng trại sẽ bị hôi hám, ô nhiễm nặng.
Thường thì khắp mặt nền chuồng phải lót một lớp vỏ trấu dày khảng 20cm, hoặc rơm rạ, cỏ khô chặt khúc 5-10cm để nếu nuôi thả thì gà đi được êm chân, còn nuôi trên sàn thì lớp vỏ trấu hay rơm rạ khô này sẽ hút hết chất ẩm của phân gà từ trên sàn gà rơi xuông nên giảm được hôi thúi, nhất là không sản sinh ra giòi bọ, ruồi nhặng.
Lớp vỏ trấu, rơm rạ, cỏ khô dùng lót nền chuồng này sẽ được thay bằng lớp mới khi đến kỳ làm vệ sinh chuồng trại theo định kỳ.
4. Kiểu chuồng nuôi gà công nghiệp
Chuồng nuôi gà công nghiệp có nhiều kiểu, như kiểu “Chuồng úm gà con”, “Chuồng nuôi gà già”, “Chuồng nuôi gà đẻ” và “Chuồng nuôi gà thịt” … Mỗi chuồng như vậy thường có kiểu dáng khác nhau, kích thước khác nhau.
a. Chuồng úm gà con
Gà con mới nở (trong máy ấp) được bắt ra nuôi trong chuồng úm suốt ba tuần lễ. Với người khéo tay, họ có thể ụự đóng được loại chuồng này.
Chuồng được đóng theo kiểu hình hộp chữ nhật, hoặc vuông, diện tích chuồng rộng hay hẹp bao nhiêu là tùy theo nhu cầu của mình. Nếu chuồng úm nhỏ thì cạnh dài độ 50cm, còn chuồng úm lớn thì cạnh dài 80cm hoặc 1 mét. Bốn vách chung quanh chuồng úm chỉ cần độ cao 40cm và nên đóng bằng ván hay các tông để chi kín gió. Đáy chuồng úm nên đóng bằng lưới kẽm mắt nhỏ 1cm đủ chỗ cho phân gà lọt hết xuống máng phân bên dưới. Trên chuồng úm có nắp đậy cũng làm bằng ván hoặc các tông. Có điều nắp đậy này cần được khoan một số lỗ nhỏ để giúp chuồng úm được thoáng khí.
Trong chuồng nên gắn bóng đèn điện hay đèn bão (đốt bằng dầu hỏa) để sưởi ấm cho gà con.
Với chuồng diện tích nhỏ độ nửa mét vuông dùng úm 50 gà con mới nở thì treo một ngọn đèn 60W. Còn chuồng úm rộng 1 mét vuông thì nên sử dụng hai bóng điện cỡ này, treo cách xa nhau để hơi ấm được lan tỏa khắp chuồng. Trong trường hợp diện tích chuồng úm rộng mà chỉ treo một bóng đèn thì gà con sẽ chùm nhum lại một chỗ để tranh nhau sưởi ấm, thì thế nào cũng có nhiều con bị đè mà chết ngạt.
Chuồng úm gà con có máng hứng phân bên dưới. Chuồng có bốn chân cao (hoặc kê cao lên) đặt trên bốn dĩa nước để ngăn ngừa kiến xâm nhập vào chuồng.
b. Chuồng nuôi gà giò
Gà giò là loại gà từ ba tuần tuổi đến tám tuần tuổi, nuôi su thời kỳ chúng rời khỏi chuồng úm.
Chuồng nuôi gà giò tốt nhất là nuôi trên sàn lưới kẽm, hoặc sàn làm bằng vạt tre, vạt gỗ, với diện tích rộng, tính sao cho đủ chỗ nuôi 15 con trong một mét vuông (trong ba tuần đầu), và 10 con/m2 trong hai tuần sau (tức gà tháng rưỡi tuổi).
Nếu nuôi với mật độ dày hơn thì gà giò không những thiếu chỗ để vận động cho mau lớn, mà còn sinh tật cắn mổ nhau, và tranh giành thức ăn nước uống của nhau. Vì vậy, gà giò lớn tuần tuổi (khoảng 6 tuần tuổi) là nên san bớt ra nuôi chuồng khác để có chỗ đủ rộng cho chúng vận động.
Trong chuồng nuôi gà giò chỉ đặt máng ăn, máng nước, không cần đến bóng đèn sưởi ấm cho gà. Đêm khuya trời lạnh, chúng nằm gần nhau và dùng thân nhiệt sưởi ấm cho nhau. Đèn điện nếu chỉ thắp sáng trong vài giờ đầu hôm để gà ăn thêm bữa tối cho mau tăng trọng.
Gà giò không nên nuôi thả dưới nền chuồng, dù nền có trải lớp vỏ trấu dày cũng vậy. Nuôi thả dưới nền chuồng gà có thể vận động thoải mái hơn, nhưng có điều là chúng sẽ ăn phân của nhau, dễ bị bệnh cầu trùng. Vì trứng ký sinh trùng Coccidie có lẫn trong phân gà, gà con ăn phải sẽ nhiễm bệnh mà chết. Nếu trong bầy chỉ cần có một con bị bệnh cầu trùng thì không lâu sau đó cả đàn sẽ bị bệnh hết.
Chuồng nuôi gà giò cần được thông thoáng vào ban ngày và ấm áp vào ban đêm. Vì vậy các vách chung quanh nên trổ nhiều cửa sổ để chống lên cho thoáng vào ban ngày, và sập xuống để ngăn gió lạnh lùa vao chuồng ban đêm.
Nuôi gà giò là giai đoạn quan trọng nhất nên cần được chăm sóc kỹ. Đây là dịp tốt để ta tuyển chọn đàn gà để giống: Gà nào mạnh khỏe, vóc dáng đạt chuẩn thì nuôi cho sinh sản; mái nào tốt lựa ra nuôi lấy trứng gà nào tăng trọng nhanh gạn ra nuôi thịt … gà nào èo uột chậm lớn hoặc bệnh tật thì có cách xử lý riêng. Và, đây cũng là giai đoạn chủ nuôi lo chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho đàn gà để ngừa bệnh.
c. Chuồng nuôi gà đẻ
Gà đẻ nuôi theo phương pháp công nghiệp để thu hoạch trứng bán thì có hai cách nuôi:
- Cách thứ nhất là nuôi giam riêng biệt mỗi ngăn chuồng một con. Chuồng (lồng) có thể đóng bằn tre, nẹp gỗ, nhưng tốt nhất là bằng kim loại (làm giống như chuồng chim, nhưng cọng kẽm lớn, chắc hơn), với diện tích chuồng 40cm x 50cm và cao 40cm đủ chỗ cho gà xoay xở mà thôi.
- Sống trong ngăn chuồng này gà mái đẻ chỉ ăn ngủ tại chỗ. Khi cần ăn uống gà đứng lên thò đầu ra ngoài qua khe hở các chấn song phía cửa chuồng vì máng ăn, máng uống được gắn ở ngoài chuồng. Nền chuồng kiểu này hơi nghiêng về phía trước, khi gà đẻ trứng sẽ lăn ra phía trước cửa chuồng, chủ nuôi cứ việc đến nhặt.
- Ngăn chuồng gà đẻ co thể làm riêng lẻ mà cũng có thể kết lại làm chung vách với nhau để một chuồng có thể nuôi được ba hay bốn con, mà vẫn ngăn riêng biệt. Các chuồng này có thể chồng lên nhau thành nhiều tầng, và dưới mỗi tầng đều có máng phân để vệ sinh chuồng dễ dàng.
- Nuôi theo cách này tuy tốn tiền làm chuồng, tốn thêm công cho ăn cho uống, công làm vệ sinh nhưng bù lại có điều lợi là ta dễ dàng kiểm soát được năng suất trứng của từng con gà một. Con nào đẻ sai thì nuôi tiếp, mái nào đẻ thất thường, một ngày đẻ thì vài ba ngày nghỉ, hoặc trứng không đạt chuẩn thì loại ra bán thịt …
- Cách thứ hai là nuôi tập thể thả nhiều mái đẻ cùng lứa cho sống chung với nhau trên nền đất của một ngăn chuồng hay trên sàn lưới kẽm (hoặc đóng bằng vạt tre, gỗ như đã nói ở phần trên). Cứ một mét vuông thả nuôi 4 mái là vừa.
- Trong chuồng nuôi tập thể này vừa phải chừa chỗ để làm kệ đặt ổ đẻ. Kệt này đặt sát vách. Không nên đặt ổ quá cao mà nên cách mặt nền chuồng khoảng 20cm đến 30cm, để khi mắc đẻ gà nhảy lên ổ dễ dàng.
- Trong chuồng cứ 5 mái đẻ thì đặt một ổ đẻ là vừa. Vì tuy là gà siêu trứng đẻ sai nhưng đâu phải nhiều gà đẻ cùng một lúc, mà có con đẻ sớm có con đẻ trễ. Có con vài ba ngày lại nghỉ một ngày …
Mặc khác, giống gà siêu trứng vốn không biết ấp nên chúng không có thói quen nằm lâu trong ổ, nên rớt trứng xong là bước ra khỏi ổ liền. Chúng lại thường đẻ lang chạ, mắc đẻ cứ gặp ổ trống là chui vào, chứ không nhất thiết muốn đẻ mãi một ổ nào mà chúng thích. Đẻ xong, gà nhập ngoại không la cục tác ỏm tỏi như gà ta, gà Tàu.
Đó là cách nuôi gà đẻ trứng để bán.
Còn nuôi gà để lấy trứng để ấp thì có cách nuôi khác. Cũng nuôi trên nền có rải trấu, nhưng thả gà trống vào nuôi chung. Để đảm bảo trứng gà có nhiều cồ, ngoài việc tuyển chọn những gà trống đạt chuẩn, còn phải tính đến số “vợ” cho nó. Cứ một gà trống có khả năng phủ được năm, sáu gà mái.
Chuồng nuôi gà để lấy trứng ấp không nên nuôi với mật độ dày, cứ một mét vuông chuồng thả nuôi 4 con mà thôi. Đã thế, cạnh chuồng còn có khoảng sân nắng lộ thiên để gà trống mái ra đó vận động.
Xin lưu ý: nuôi gà lấy trứng ấp không nên nuôi trên sàn lưới kẽm, vì độ rung của sàn sẽ làm cho gà trống đạp mái khó khăn, dẫn đến trứng thiếu cồ.
d. Chuồng nuôi gà thịt
Gà thịt là gà chỉ nuôi để đến lứa đem bán thịt, nuôi chung cả trống, mái. Thời gian nuôi một lứa gà thịt rất ngắn, chỉ 8 đến 10 tuần, tức từ 2 tháng đến 2 tháng rưỡi. Gà thịt càng nặng cân thì vừa bán được nhiều tiền mà còn ựược người tiêu dùng ưa chuộng.
Vì vậy, ngoài việc cố chọn cho được các giống gà siêu thịt mà nuôi, còn lo đến khâu chăm sóc và chuồng trại thích hợp.
Kiểu chuồng để nuôi gà thịt hiệu quả nhất là loại chuồng đơn, nhốt riêng từng con mà nuôi như cách nuôi gà đẻ đã mô tà ở phần trên. Nuôi trong ngăn chuồng chật hẹp tù túng như vậy gà chỉ còn cách ăn xong rồi nằm một chỗ không tiêu hao năng lượng nên chóng mập.
Thế nhưng, nuôi theo cách này thì phải đầu tư tiền làm chuồng rất nhiều, lại tốn công chăm sóc nên … xét ra lợi bất cập hại.
Do vậy, nhiều nhà chăn nuôi tính đến việc nuôi gà thịt bằng chuồng tập thể, như nuôi trên sàn hoặc nuôi ngay trên nền có rải lớp vỏ trấu dày.
Nuôi chuồng tập thể với mật độ 5 gà một mét vuông chỉ vừa đủ chỗ cho gà thịt vận động. Cần chú ý là chuồng nuôi gà thịt cần được thông thoáng vào ban ngày và che chắn gió lạnh vào ban đêm để gà được ngủ yên giấc, vừa mau mập mạnh vừa tránh được bệnh tật.
Gà nuôi đến lứa thì xuất chuồng. Lứa này bán xong thì bắt tay vào việc vệ sinh chuồng nuôi, trong đó có việc quét dọn hết lớp vỏ trấu cũ và thay vào lớp vỏ trấu mới.
5. Sân nắng
Chuồng nuôi tập thể gà công nghiệp, dù nuôi gà đẻ lấy trứng ấp hoặc nuôi gà thịt cũng nên tạo sân nắng cạnh bên để gà có thêm chỗ rộng rãi thoáng khí mà vận động ngoài trời, nhờ đó mà tăng sức đề kháng giúp gà mập mạnh, sinh trưởng tốt.
Sân nắng phải làm sát cạnh chuồng gà và thông với chuồng gà bằng cái cửa đóng mở được khi cần. Ta chỉ cho gà ra sân tắm nắng buổi sáng, chiều tối phải lùa hết vào chuồng, nhất là những ngày mưa gió.
Bên trong hoặc ngoài sân nắng nếu có cây to tỏa bóng mát che phủ một phần sân cũng là điều tốt. Vì rằng nếu sân quá trống trải để ánh nắng rọi chan hòa hết cả mặt sân thì lại không có lợi cho gà. Ở ngoài nắng lâu chúng sẽ bị hóc nắng, há mỏ thở như hụt hơi. Chúng ta đã biết loài gà thở rất nhiều. Một gà mái trưởng thành trong một giời hít vào phổi một lượng lớn không khí khoảng mười ngàn lít chứ đâu phải ít. Do đó, chuồng gà cần phải thông thoáng mới tốt, đừng để hầm hơi, nóng bức quá độ. Vì vậy, giống gà gặp nắng thì thèm”, nằm sãi cánh ra sưởi, nhưng chỉ được một lúc thì lại lùi vào bóng râm để tránh nắng.
Nên chọn một góc sân nắng đào một cái hố rộng chừng vài mét vuông, sâu chừng 30cm, rồi đổ đầy cát hay tro bếp xuống làm chỗ cho gà xuống vùi mình tắm cát. Nhờ tắm cát hàng ngày mà rận mạt trong bộ lông gà bị tiêu diệt hết.
Nền sân nắng nên là nền đất, trên đó trồng cỏ cú (cỏ gấu) vốn là thức ăn khoái khẩu của gà. Trong cỏ tươi có chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự sinh trưởng của gà. Vì vậy vừa được lùa ra sân nắng là hầu hết đàn gà đều chạy nhanh về phía có cỏ tươi để rứt ăn từng lá thỏa thích.
Thường những vạt cỏ tươi này là nơi thu hút nhiều loài côn trùng như dế, cào cao bay đến. Và những côn trùng này cũng là thức ăn chứa nhiều đạm mà gà nào cũng thích ăn.
Nên làm vệ sinh sân nắng theo định kỳ. Trong thời gian làm vệ sinh không nên thả gà ra sân, vì còn phải phun thuốc khử trùng sau khi quét dọn sạch sẽ. Đồng thời nhân dịp này nên nhổ hết lớp cỏ già để trồng lại cỏ non cho gà ăn.
Sân nắng nuôi gà công nghiệp có thể làm ngay phía trước hay sau chuồng gà. Sân trổ bên hông chuồng cũng tốt, miễn nằm đúng hướng Đông hay Đông Nam, có nhiều ánh sáng chiếu vào là được.
Trên đây là một số kinh nghiệm nuôi gà công nghiệp bạn nên áp dụng!