Virus mới xuất hiện đe dọa ngành công nghiệp cá rô phi
Trong phần nghiên cứu được công bố tuần trước trên mBio, tạp chí trực tuyến của Hội Vi sinh vật học Hoa Kỳ (the American Society for Microbiology), nhóm nghiên cứu chỉ rõ loại virus Tilapia Lake Virus (TiLV) là thủ phạm làm cá rô phi chết sớm ở Ecuador và Israel những năm gần đây. Nghiên cứu này cũng cung cấp thông tin và kiến thức khoa học cho việc phát triển loại vắc-xin chống lại virus TiLV.
Năm 2009, loài cá rô phi tự nhiên ở Hồ Kinneret (còn được gọi Biển hồ Galilee) và cá rô phi nuôi trong ao tại Israel bắt đầu bị bệnh lạ với tỷ lệ tử vong lên đến 70%.
Năm 2011, cá rô phi nuôi trong ao tại Ecuador cũng bị chết hàng loạt. Thoạt đầu, tưởng như hai bệnh không liên quan vì cá rô phi ở Israel cho thấy triệu chứng bệnh về hệ thống thần kinh trung ương trong khi cá rô phi ở Ecuador có triệu chứng bệnh về gan.
Cuối năm 2012, các nhà nghiên cứu làm việc trên cả 2 mẫu cá nhiễm dịch được gửi đến phòng thí nghiệm của chuyên gia W. Ian Lipkin.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy 10 trình tự gen RNA ngắn. Lipkin cho biết: “Chúng tôi càng nghiên cứu sâu hơn, sự chắc chắn về việc một loại virus mới xuất hiện càng rõ hơn.”
Và bởi vì hai mẫu cá nhiễm bệnh cho thấy các nhóm virus này đều có trình tự gen gần như giống hệt nhau, nhóm nghiên cứu tin rằng chúng đến từ cùng một nguồn. Tuy nhiên, loại virus này lan truyền giữa Israel và Ecuador như thế nào vẫn còn là một bí ẩn.
Theo Eran Bacharach tại Đại học Tel Aviv: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp phương pháp phát hiện đầu tiên, mà nhận biết trình tự gen của loại virus này là bước đầu tiên để xét nghiệm chẩn đoán”. Những xét nghiệm như vậy sẽ giúp người nuôi cá phát hiện khi virus có trong ao nuôi và hạn chế sự lây lan.
Lipkin cho biết: “Phát triển loại vắc-xin chống lại virus TiLV sẽ tiết kiệm hàng tỷ đô la và bảo tồn ngành công nghiệp mang lại công ăn việc làm trong thời buổi kinh tế hiện nay và bảo đảm an toàn thực phẩm.”