Vài Nét Về Sự Hiện Diện Và Phát Triển Của Cây Dừa Bến Tre
Năm 1901 Bến Tre còn là một tỉnh đất rộng người thưa, dân số có 216.816 người, mật độ hơn 100người/km2, có 131.500 ha đất trồng tỉa, trong đó có hơn 110.500 ha đất làm ruộng, còn lại là đất giồng cát trồng hoa màu, đất vườn dừa và cây ăn trái. Mặc dù dưới ách cai trị của thực dân Pháp, vơ vét tài nguyên, cộng với sự bốc lột tàn nhẫn của giai cấp địa chủ; nông dân rất cơ cực bần hàn nhưng trong quá trình lao động sáng tạo đã hình thành một cơ cấu rất cơ bản để trồng các loại cây thích hợp trên các vùng sinh thái khác nhau.
Giống dừa Dâu
Có giả thuyết cho rằng sự hiện diện của cây dừa trên đất Bến Tre là do người từ miền Trung, đặc biệt tỉnh Bình Định có nhiều dừa, khi đi vào lập nghiệp mang theo và cũng có thể trái dừa di thực từ các nước Philipin, Indonesia trôi dạt vào bờ biển Bến Tre, dần dần mọc lên và phát triển. Có lẽ cả 2 giả thuyết nêu trên điều đúng.
So với lịch sử phát triển trên đất Bến Tre từ 300 năm qua, như vậy cây dừa có thể đã được trồng từ khi khai hoang khẩn đất và được trồng nhiều nhất qua đợt di dân giữa đầu thế kỷ thứ 19, sau khi cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh kết thúc, lúc ấy người dân lo đến việc an cư lạc nghiệp, hình thành làng ấp. Do đó, đến cuối thế kỷ 19 thì Bến Tre chỉ có 4.000 ha trồng dừa, cũng thời điểm nầy các giống dừa lùn do linh mục Gernot mang từ Thái Lan qua cùng một số cây ăn trái khác nên ta gọi là dừa Xiêm. Năm 1930 phát triển thêm có 6.000 ha. Từ năm 1945 nông dân thấy trồng một ha dừa thu nhập hơn lúa gấp nhiều lần nên từ đất ruộng các nơi đã đào mương lên liếp để lập vườn trồng dừa, năm 1961 đã có diện tích 20.834 ha dừa. Giờ đây, cây dừa đã được trồng trải đậm một màu xanh tươi mát, toả khắp ba dãy cù lao.
Trong thế kỷ qua, đời sống nhiều người nông dân càng khá giả, mua đất lập vườn, dựng nhà tạo cửa là nhờ hàng hóa sản phẩm từ cây dừa, phần lớn trái dừa được cạy cơm phơi sấy, bán cho các hiệu buôn trong tỉnh, tiêu thụ đến các nhà máy ở Chợ Lớn để ép dầu, để làm xà bông; xà bông 72% dầu của hãng Trương Văn Bền (Xà bông Việt Nam) có thương hiệu nổi tiếng, lần lượt đã chiếm lĩnh thị trường, thay thế xà bông 72% hiệu Marseille của Pháp; ngoài ra dầu dừa chủ yếu là dùng để chế biến thành dầu ăn, để xức tóc và có lúc trong vùng nông thôn khi bị “cấm thị” nhiều nhà phải dùng dầu dừa để đốt đèn thay cho dầu lửa.
Năm 1969 hàng ngàn ha vườn dừa của Bến Tre đã bị giặc Mỹ dùng chất độc hóa học hủy diệt, nhiều nhất ở các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày, Châu Thành, để lại trên vườn dừa những thân cây khô lá trơ trọi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng diện tích dừa chỉ còn 16.000 ha, từ đó đến nay liên tục vườn dừa đã được khôi phục trồng lại, có lúc cây dừa đã được chủ trương “dừa lấn rừng – rừng lấn biển”, khuyến khích trồng dừa lấn sâu vùng đất nhiễm mặn, nhiều khu rừng ngập mặn trở thành nông trường trồng dừa như An Nhơn, An Quy-Thạnh Phú, Châu Bình-Giồng Trôm, Tân Mỹ-Ba Tri, Bình Thắng, Thạnh Trị-Bình Đại, lúc đó diện tích dừa trong tỉnh đạt 45.000 ha, nhưng sau một thời gian cho thấy cây dừa chỉ thích hợp, hiệu quả kinh tế nhất ở đất mặn vừa phải, mặn thời gian ngắn. Không cạnh tranh kinh tế được với các vật nuôi khác thích hợp hơn, nên một số diện tích dừa nơi đây không tồn tại được, nhường lại đất cho việc nuôi thủy sản.
Gần cuối thập niên 90 thêm một lần diện tích dừa lại giảm mạnh, do giá dừa xuống quá thấp, mỗi trái dừa giá trị chỉ còn 600-850 đồng/trái, so với gạo, giá trị 3-4 trái đổi bằng 1 lít gạo nên nhiều nhà vườn ung dung đốn bỏ cây dừa đổi trồng cây nhãn, gây một phen lao đao vì đốn bỏ cây nầy trồng lại cây khác, thiệt hại kinh tế to lớn. Vì vậy, năm 2000 có 37.758 ha dừa, hàng năm cho sản lượng 231,7 triệu trái/năm. Năm 2001 diện tích dừa tiếp tục mất đi chỉ còn lại 35.540 ha, sản lượng 222,2 triệu trái/năm. Nguyên nhân do giá trái dừa vẫn giữ mức thấp và bọ dừa lây lan hoành hành gây thiệt hại hơn 500 ha trong tỉnh, làm ảnh hưởng giảm nhiều đến năng suất và sản lượng. Công tác phòng trừ bọ dừa bằng thuốc hóa học diễn ra nhiều chiến dịch phun xịt và cuối cùng nghiên cứu sử dụng biện pháp phòng trừ bằng Ong ký sinh Tetrastichus brontispae đã được bắt đầu vào năm 2003 sau đó được phóng thích ra ngoài môi trường, làm giảm số bọ dừa một cách hiệu quả đáng kể, kết quả vườn dừa bắt đầu xanh tốt trở lại.
Năm 2005, diện tích dừa dần dần tăng trở lại, có 37.595 ha, sản lượng 258,8 triệu trái/năm, do nhà nước có dự án đầu tư khuyến khích phát triển trồng mới 5.000 ha dừa trong tỉnh và năm 2008 diện tích ước có 45.631 ha, sản lượng 311,5 triệu trái/năm. Nhiều vùng trồng cây ăn trái, trồng mía, trồng lúa kém hiệu quả thay vào trồng dừa trở lại do giá dừa đạt cao nhất từ trước đến nay, trái dừa từ 35.000đ/12trái (một chục) tăng có lúc trên 60.000đ/12 trái (tháng 8/2008). Thị trường tiêu thụ trái dừa ngày càng nhiều, trái dừa tươi (dừa lột ba da) hàng ngày đều có 3-5 tàu vận tải biển chờ mua trên các sông lớn chở đi Trung Quốc. Dừa uống nước mỗi năm tiêu thụ khoảng 150 -200triệu trái/năm, đáp ứng cho nhu cầu giải khát ngày càng tăng nhất là ở các thành phố lớn.
Nhiều cơ sở chế biến trong tỉnh từ cây dừa cho ra các sản phẩm có giá trị như: Cơm dừa nạo sấy, Dầu dừa, kẹo dừa, thạch dừa, chỉ sơ dừa, thảm xơ dừa, vỏ dừa cắt lát, mụn dừa, than thiêu kết, than hoạt tính và khoảng 100 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, trái dừa, gáo dừa, cọng dừa, nhen dừa được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Thân cây dừa được làm nhà, đóng bàn ghế có giá trị lâu bền.
Ngày nay nhờ có điện khí hóa nông thôn nên trong sản xuất chế biến trái dừa có nhiều khâu bằng điện như hàng thủ công mỹ nghệ, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, ép dầu dừa, quay chỉ sơ dừa, ép mụn dừa…, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, cải tiến kỹ thuật, làm đẹp mẫu mã; nhiều mặt hàng trong đó hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa được tham gia thị trường trong và ngoài nước.
Kỹ thuật trồng dừa ngày nay cũng được tiến bộ hơn xưa như chọn giống cơm dày, say trái, khoảng cách trồng cũng được cân nhắc kỹ, thích hợp để cây phát triển tốt hoặc đủ để đất trồng xen. Việc thâm canh vườn dừa được chú trọng bởi xen ca cao, xen chanh, măng cụt, bòn bon, dâu, bón phân đủ liều lượng và cân đối giúp vườn dừa tăng hiệu quả kinh tế hơn ngày xưa.
Ngày nay, việc chọn giống trồng dừa được nông dân đặc biệt chú trọng, có nhiều giống rất phong phú như: dừa ta xanh, dừa ta vàng, dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh, dừa xiêm vàng, dừa ẻo, dừa Tam quan, dừa dứa, các giống dừa lai như PB 121, PB 141, JVA 1, JVA 2; ngoài ra còn vài giống được gặp như dừa bung, dừa sọc, dừa sáp.., dừa bung ít được ai làm giống vì trái to nhưng rất ít trái.
Những mảnh vườn xưa còn lại cách nay 50-60 năm hoặc lâu hơn nữa cho thấy trước đây trồng dừa chưa được chọn giống tốt, kỹ thuật trồng và chăm sóc còn nhiều lạc hậu, trồng khoảng cách dày, không bón phân, ít bồi bùn, không trồng xen hoặc để xen nhiều cây tạp không có giá trị dẫn đến vườn dừa rất kém hiệu quả.
Gần đây, nhiều nhà kinh tế đã nghiên cứu chuỗi giá trị của cây dừa, tính toán nhiều sản phẩm làm ra từ cây dừa, trồng xen cùng cây dừa để hoạch định một chiến lược sản xuất cho vườn dừa đạt hữu hiệu cao nhất.
Theo nhận định của các chuyên gia thì Việt Nam năm 2020 sẽ trở thành nước xuất khẩu cơm dừa nạo sấy thứ hai trên thế giới, mặt hàng dễ sản xuất và tiêu thụ. Dầu dừa sẽ dùng làm nhiên liệu sinh học thay cho nhiên liệu hóa thạch .
Do giá cả hấp dẫn, làm ra nhiều sản phẩm xuất khẩu được, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân nên cây dừa sẽ được tăng diện tích đáng kể.