Vài điều lưu ý khi chuẩn bị ao và thả giống tôm chân trắng nuôi bán thâm canh
Dùng vôi rải đều trên mặt đáy ao vào bờ ao
Tại nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ vài năm trở lại đây người dân đã chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng do loài này có chu kỳ nuôi ngắn nên khả năng quay vòng vốn sản xuất nhanh hơn và thị trường tiêu thụ luôn có nhu cầu. Do vậy, tôm chân trắng hiện được coi là một loài tôm nuôi quan trọng và có tiềm năng phát triển trong vùng, với phương thức nuôi chủ yếu là quảng canh và quảng canh cải tiến.
Tuy nhiên, do những hạn chế về kỹ thuật canh tác nên hiệu quả của phương thức sản xuất này chưa cao và chứa nhiều nguy cơ rủi ro hơn so với nuôi bán thâm canh trong ao.
Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, để nuôi bán thâm canh tôm chân trắng trong ao có kết quả, cần chú ý ngay từ các khâu kỹ thuật đầu tiên là chuẩn bị ao nuôi và thả tôm giống.
Chuẩn bị ao và lấy nước vào ao trước khi thả tôm giống
Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh ao nuôi, gia cố vững chắc các bờ bao quanh ao. Tiếp đến, tháo cạn nước trong ao, sên vét hết lớp bùn ở đáy ao và bơm nước vào để rửa đáy ao, sau đó phơi ao trong vòng 10 – 15 ngày, tùy theo điều kiện mùa vụ nuôi.
Rào xung quanh ao bằng lưới có mắt lưới nhỏ, cao từ 0,6 đến 1,0 mét tính từ mặt đất để tránh địch hại xâm nhập vào ao. Dùng vôi CaO hoặc CaCO3 rải đều trên mặt đáy ao và bờ ao với liều lượng 200 – 1.800 kg CaCO3/ha hoặc 100 – 1.600 kg CaO/ha, lượng vôi bón tùy thuộc chất đất (pH) và nguồn nước cấp vào ao.
Với các ao mới xây, lấy nước vào ngâm và rửa ao 2 – 3 lần trước khi rào lưới, bón vôi như với các ao nuôi cũ.
Có thể dùng các ao đã nuôi để nuôi tiếp nếu lượng bùn ở đáy ao ít và chất lượng nước ao nuôi còn tốt, nhưng trước khi thả giống cần sử dụng chế phẩm vi sinh với liều lượng cao gấp 2 – 3 lần so với liều lượng bình thường để xử lý. Khi mực nước triều lên cao nhất sẽ lấy nước từ bên ngoài vào ao chứa hoặc ao lắng. Nên lấy nước qua túi lọc nước, sau đó bơm sang các ao nuôi. Mực nước trong ao tốt nhất từ 1,1 đến 1,5 mét. Cần lưu ý là có thể dùng vuông nuôi quảng canh cải tiến để làm ao chứa hoặc ao lắng trước khi bơm nước vào ao nuôi tôm bán thâm canh.
Sau khi lấy nước vào ao nuôi từ 2 đến 5 ngày, dùng Saponine nồng độ 10 – 20 ppm hoặc dây ruốc cá nồng độ 3 – 5 ppm để diệt cá tạp trong ao. Cần lưu ý là có thể không phải tiến hành diệt cá tạp trong các ao có hệ thống lọc nước tốt, loại trừ được cá tạp đi vào ao.
Từ 2 đến 5 ngày tiếp theo, dùng các chất diệt khuẩn để diệt các loài vi khuẩn có trong ao. Một số loại chất diệt khuẩn thường được sử dụng là Iodine nồng độ 1 – 1,5 ppm, BKC nồng độ 0,4 – 2 ppm, Chlorine nồng độ 25 – 35 ppm, TCCA nồng độ 1 – 1,5 ppm, Clear 99 nồng độ 1 – 2 ppm, … Cần lưu ý là chỉ được dùng các hóa chất hoặc thuốc có tên trong Danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và với liều lượng do nhà sản xuất hướng dẫn.
Nên bón phân để gây thức ăn tự nhiên trong ao (gây màu nước) trước khi thả tôm giống vào nuôi. Có thể sử dụng phân DAP, hoặc NPK với nồng độ 1- 2 ppm, hoặc cám gạo ủ trong 24 giờ theo công thức 3 kg cám gạo + 0,5 lít chế phẩm vi sinh + 1 lít mật đường + 20 lít nước ao nuôi, té đều khắp ao vào khoảng từ 9 đến 11 giờ sáng, tốt nhất khi trời nắng. Thời gian bón phân từ 5 đến 7 ngày liên tục cho đến khi nước ao đạt độ trong 30 – 40 cm. Cần lưu ý là có thể không nhất thiết phải bón phân gây thức ăn tự nhiên cho các ao nuôi đã có màu nước tốt ngay từ đầu, hoặc ao sử dụng lại nước đã nuôi tôm.
Trong 2 – 3 ngày trước khi thả tôm giống vào ao, dùng các loại chế phẩm vi sinh như BZT, Bio Green, BioX9, Biozyme, Pondclear, EMC… té đều khắp mặt ao vào lúc trời nắng, từ 9 đến 11 giờ sáng. Cần lưu ý là chỉ sử dụng các loại chế phẩm vi sinh có thương hiệu rõ ràng, có uy tín trên thị trường và có tên trong Danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, với liều lượng do nhà sản xuất hướng dẫn.
Thả tôm giống
Chọn mật độ tôm giống thả nuôi tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của người nuôi tôm về kinh tế và kỹ thuật nuôi, cũng như mùa vụ nuôi. Tốt nhất nên thả tôm giống với mật độ từ 20 đến 60 con/m2, cỡ PL12 – PL15.
Sau khi vận chuyển tôm giống về đến ao nuôi, cần giữ nguyên tôm giống trong túi nylon và thả túi trôi nổi trên mặt ao khoảng 15 – 30 phút, sau đó mới mở miệng túi để tôm giống từ từ bơi ra ngoài ao.
Nên chọn lúc trời mát và có gió nhẹ để thả tôm giống. Cần lưu ý là nếu các yếu tố môi trường trong ao nuôi tôm và túi chứa tôm giống chênh lệch nhiều, nên mở miệng túi cho nước ngoài ao vào từ từ, một lúc sau lại mở miệng túi nhẹ nhàngđể tôm giống bơira ngoài ao. Tốt nhất nên thuần tôm giống trong bể hoặc các thùng xốp, xô, chậu nhựa trước khi thả ra ao nuôi.