Trồng Sơ Ri Làm Giàu ở Gò Công Tiền Giang – Giới thiệu
Sơ ri hay còn gọi là kim đồng nam, acelora, sơ ri Barbados, sơ ri Tây Ấn hay xơ ri vuông (danh pháp hai phần: Malpighia glabra), là một loài cây bụi hay cây thân gỗ nhỏ có quả nằm trong họ Sơ ri (Malpighiaceae), có nguồn gốc ở Tây Ấn và miền bắc Nam Mỹ.
Nó có thể cao tới 3 m, với tán lá dày, có gai. Lá thường xanh, dạng đơn hình trứng-hình mác, dài 5–10 cm, với mép lá nhẵn.
Các hoa mọc thành tán với 2-5 hoa cùng nhau, mỗi hoa có đường kính 1-1,5 cm, với 5 cánh hoa màu hồng hay đỏ.
Quả chín có màu đỏ tươi, đường kính 1 cm, chứa 2-3 hạt cứng. Nó là loại quả mọng và có vị ngọt, chứa nhiều vitamin C và các chất dinh dưỡng khác.
Mặc dù nó tương tự như quả anh đào, nhưng loài cây này không có quan hệ họ hàng gì với anh đào thực thụ (chi Prunus). Quả tương tự như quả chùm ruột, ăn được.
Tại Việt Nam, cây sơ ri được trồng nhiều nhất ở khu vực Gò Công của tỉnh Tiền Giang và một số xã thuộc tỉnh Bến Tre.
Tại khu vực Gò Công, các xã trồng nhiều sơ ri là Long Thuận (thuộc thị xã Gò Công), Bình Ân, Tân Đông, Bình Nghị, Kiểng Phước… (thuộc huyện Gò Công Đông); theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu cây sơ ri(*) trong năm 2012, diện tích trồng sơ ri của khu vực
Gò Công là khoảng 276 ha, trong đó giống sơ ri chua truyền thống của Gò Công là 134 ha, giống sơ ri ngọt là 104 ha và giống sơ ri chua nhập nội là 38 ha (giống nầy được bắt đầu trồng thử nghiệm tại khu vực Gò Công từ năm 2007, được bà con nông dân gọi là: giống sơ ri chua mới, giống sơ ri chua Brazil…).
Tại Bến Tre, giống sơ ri ngọt được trồng chủ yếu tại các phường Sơn Đông,Bình Phú, Phú Khương, Phú Nhuận (thành phố Bến Tre), Mỹ Thành, Sơn Hòa, Hữu Định, Tam Phước (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) và một ít ở xã Tân Lợi Thạnh thuộc huyện Giồng Trôm, tổng diện tích trồng sơ ri ngọt của tỉnh Bến Tre là 233 ha.