Trồng mít Thái trên đất Anh Sơn
Ở Anh Sơn, mặc cho nhiều người dân chọn trồng cây cam, cây chè, cây mía…để làm nguồn thu nhập chính thì anh Bùi Quang Huỳnh ở thôn 1 xã Thạch Sơn lại chọn cây mít Thái.
Vườn mít Thái hơn 200 gốc của gia đình anh Bùi Quang Huỳnh thôn 1 xã Thạch Sơn. Ảnh: Huyền Trang
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mít Thái hơn 200 gốc, anh Bùi Quang Huỳnh phấn khởi khoe: Đây là năm đầu tiên vườn mít của gia đình cho quả, thời tiết thuận lợi nên mít rất được mùa, là giống mít Thái thơm ngon nên được thương lái đến thu mua tận nơi, thậm chí không có đủ mít để mà bán.
Chia sẻ về cơ duyên đến với cây mít ngoại này anh Huỳnh cho hay: Hơn 2 năm trước trong một lần xem chương trình khuyến nông thấy mô hình trồng cây mít Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư ban đầu lại không lớn nên anh Huỳnh quyết định ra tận Viện giống Trung ương để mua giống mít Thái về trồng thử nghiệm. Ban đầu anh trồng hơn 30 gốc, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu trồng và chăm sóc mà sau 18 tháng những gốc mít đầu tiên đã bắt đầu cho quả.
Mít Thái có ưu điểm cho trái quanh năm. Ảnh: Huyền Trang
Ưu điểm của loại mít này là có vị ngọt và thơm, hạt nhỏ, ít xơ, quả nhiều, to, vỏ mỏng. Mỗi quả bình quân nặng từ 7-15 kg. Là giống mít ngoại nên ra quả quanh năm, không giống như loại mít bản địa chỉ ra quả theo mùa. Thấy giống mít Thái mang hiệu quả cao do vậy mà anh Huỳnh đã nhân rộng lên 200 gốc. Vụ mít đầu tiên, mới chỉ 30 cây cho thu hoạch, anh thu được hơn 1 tấn quả với giá bán từ 20-25 nghìn đồng/kg, thu về hàng chục triệu đồng.
Mít Thái có múi dày, vị ngọt, thơm. Ảnh: Huyền Trang
Về kinh nghiệm trồng mít ngoại, anh Bùi Quang Huỳnh cho hay: Mít Thái là loại cây dễ trồng lại ít sâu bệnh, khâu chăm sóc cũng khá đơn giản. Mít yêu cầu cao về nước tưới nhưng không chịu được ngập úng, nhất là khi cây ra quả, nếu gốc cây bị ngập thì múi mít sẽ bị sượng. Căn bệnh thường gặp ở cây mít là sâu đục thân, vì vậy phải thường xuyên kiểm tra, phun thuốc. Cành mít giòn, rất dễ bị gãy đổ nên sau khi thu hoạch quả, cần thường xuyên chặt tỉa cành, đồng thời để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi các cành còn lại.