Trồng khoai môn chất lượng cao – Giải pháp hiệu quả cho những vùng đất xấu
Thế nhưng do chất đất ruộng kém, lại không chủ động được nước tưới nên thu nhập của gia đình ông chỉ đạt từ 20 đến 23 triệu đồng/ năm. Đầu năm 2012, tham gia chương trình “Khảo nghiệm một số giống khoai môn chất lượng cao” của Trung tâm Thực nghiệm và đào tạo nghề (thuộc trường Đại học Nông nghiệp) thực hiện, thu nhập của gia đình ông đã được cải thiện đáng kể. Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ Trung tâm, gia đình ông Mạnh đã lựa chọn và trồng giống khoai môn Trung Quốc trên diện tích 1 sào theo đúng quy trình kỹ thuật. Sau hơn 6 tháng trồng thử, ruộng khoai của gia đình ông đã cho thu hoạch sản lượng và chất lượng khoai rất tốt. Ông Mạnh cho biết: “Chất lượng củ của giống khoai môn Trung Quốc trồng thử nghiệm ngon hơn hẳn so với củ khoai sọ được trồng phổ biến ở Quảng Yên trước đây. Khả năng sinh trưởng của cây rất nhanh, mạnh. Đặc biệt là khả năng kháng bệnh của cây rất tốt, gần như không có hiện tượng sâu bệnh xuất hiện trên cây trồng”.
Đề tài “Nghiên cứu khảo nghiệm một số giống khoai môn chất lượng cao tại Quảng Ninh” được đơn vị thực hiện lựa chọn thử nghiệm tại 2 địa phương là huyện Đầm Hà và TX Quảng Yên với gần 100 hộ dân tham gia. Sau thời gian thử nghiệm 1 năm, đơn vị thực hiện đã lựa chọn được 5 giống, trong số 7 giống khoai môn đem vào thử nghiệm. Đó là các giống: Khoai Tam đảo xanh; khoai KM1-TN; khoai Mán Vàng; khoai môn Trung Quốc và khoai môn Hầu bắc. Với sản lượng đạt từ 15 đến 20 tấn/ha tuỳ theo từng giống, tất cả các giống được chọn đều không bị ngứa, tỷ lệ phần ăn được cao, bở, thơm ngon. Tiến sĩ Nguyễn Mai Thơm, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm và đào tạo nghề cho biết: “Những giống khoai môn được lựa chọn sinh trưởng rất tốt và có khả năng đẻ nhánh, đẻ củ con rất nhanh. Việc nhân giống khoai môn lại thuận lợi vì chỉ với một sào ban đầu có tạo giống cho 5 sào vào vụ sau. Chúng tôi đã xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho 200 hộ dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh”.
Ông Đinh Đức Thành, Trưởng phòng Kinh tế, TX Quảng Yên cũng khẳng định: “Cây khoai môn đã tồn tại và phát triển lâu đời ở Quảng Ninh nên nó có khả năng thích nghi cao với điều kiện sinh thái, phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương. Tuy nhiên, việc canh tác chủ yếu là do tự phát, người dân trồng chủ yếu trên diện tích nhỏ, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, chưa sử dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Vì vậy, sản lượng chưa cao và chất lượng ngày càng giảm sút. Trước khi thực hiện đề tài này, trên địa bàn tỉnh chưa có công trình nghiên cứu nào về khảo nghiệm, lựa chọn bộ giống khoai môn chất lượng cao để mở rộng diện tích cây trồng, nhằm cung cấp sản phẩm tiêu dùng cho thị trường và tận dụng diện tích đất không chủ động về nước tưới”.
Có thể thấy, việc nghiên cứu khảo nghiệm một số giống khoai môn chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Quảng Ninh thành công là việc làm hết sức ý nghĩa. Chắc chắn, đây sẽ là giống cây trồng góp phần chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng địa phương, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.