Trồng Gừng Kiểu Mới
Bà con nông dân nhiều nơi đang trồng gừng theo cách mới cơ động và hiệu quả hơn. Trồng gừng trong bao nylon, trong giỏ tre, trong bao xi măng tận dụng…là những phương pháp sản xuất mới đang được thực hiện có hiệu quả ở một số tỉnh. Có thể xem đây là sáng kiến về cách sản xuất, giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hay thiếu đất sản xuất.Đây là cách trồng gừng mà ở đâu cũng có thể trồng được nếu có chỗ. Ưu điểm của cách trồng này là cơ động, hạn chế mưa bão, ngập lụt, hạn hán do dễ di dời. Đặt biệt là dễ thu hoạch, dễ bán từng bao hoặc từng phần mà không làm ảnh hưởng đến những cây khác. Nhiều nơi nông dân thực hiện hiệu qua việc trồng gừng theo cách này như An Giang, Bình Phước, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi,…Trồng gừng theo phương pháp này đầu tư ít, không tốn nhiều công, gừng lớn nhanh (gấp đôi so với cách thông thường). Đặt biệt có thể chủ động sơ tán, di dời gừng khi bị lũ lụt, đất bị ngập nước. Trồng 7 – 8 tháng có thể thu hoạch. Trung bình một bao thu được 1,5 – 2kg gừng củ, lãi gấp nhiều lần so với cách trồng thông thường. Thí điểm thực hiện thành công đầu tiên về mô hình này tại xã Núi Voi, huyện Tri Tôn (An Giang) kiểu trồng gừng trong túi bầu (bọc nylon). Sau 5 tháng trồng thử nghiệm, gừng phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao
Giống gừng: phải chọn gừng già trên 8 tháng tuổi, sạch bệnh. Gừng giống cần được ủ nơi bóng râm, tưới nước cho nhú mầm.(giống gừng sạch bệnh là một trong những khâu quan trọng quyết định năng suất của cây gừng).
Số lượng: Mỗi ký gừng giống có thể trồng 15 – 20 bọc.
Đất trồng: Gừng là loại cây ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng,…Pha trộn đất trồng theo tỷ lệ đất đen (70%) + phân chuồng, hữu cơ (30%) cho vào bọc nylon loại 5kg, dày khoảng 10cm, đặt hom gừng vào giữa bọc phủ lớp đất nhẹ chừng 2cm, trãi lên mặt lớp tro trấu cũ đã hoai để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Khi trồng hom gừng nên tách hom giống bằng tay (không nên dùng dao, vì có thể nhiễm bệnh), mỗi hom giống dài khoảng 2 – 5 cm, có ít nhất là một mầm. Trước khi trồng nên sử lí hom gừng bằng cách phun thuốc trừ nấm bệnh Carban 50SC, Copper Zinc 85WP…
Chăm sóc: Gừng khi nhảy con làm củ thường có xu hướng trồi lên, do đó sau khi trồng khoảng 1 tháng nên thêm đất phân hữu cơ hoai mục các loại chừng 2 – 3 cm vào gốc gừng.
– Thay bọc: Sau khoảng 2 tháng gừng đã phát triển nhánh nhiều con và bọc cũng đã bị phân hủy nên thay bọc lớn hơn, tốt nhất có thể tận dụng bao đựng phân bón cũ (cắt làm hai) hoặc bao xi măng. Trồng gừng trong bọc có ưu điểm dễ di chuyển mà không ảnh hưởng đến sức sống của cây gừng, gừng có thể đặt trong bóng râm hay chỗ sáng đều thích hợp.
– Phân bón: Do đất trồng gừng có lượng phân hữu cơ rất cao, nên sử dụng phân bón lá K – HUMAT, hoặc các loại phân vi lượng phun định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Phòng bệnh: Gừng sợ nhất là bệnh héo vàng thối rũ, do vi khuẩn truyền nhiễm, khó trị, chủ yếu là phun ngừa sau mỗi đợt mưa kéo dài nhiều ngày hoặc định kỳ 10 – 15 ngày phun/lần, các loại thuốc trị nấm gốc đồng Copper Zinc, Carban 50SC…
Tuy nhiên, ưu điểm gừng trồng trong bọc ít lây lan bệnh do bị cách ly từng bọc, khi thấy có bọc bị nhiễm cần lấy ra hủy bỏ bọc bị nhiễm bệnh. Sau thời gian trồng khoảng 5 tháng, mỗi bọc có khả năng cho 1,5 – 2kg củ gừng.
Tại tỉnh Bình Phước, kinh nghiệm trồng gừng trong bao xi măng của ông Đinh Xuân Đăng (phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài) đầu tư trên diện tích khoảng 3.000m2 với số tiền khoảng 5 triệu đồng (gồm giống lẫn phân bón), đã mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Hay từ kết quả của ông Phạm Huynh, xã Kỳ Nghĩa, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cũng bằng cách trồng gừng trong bao xi măng cắt đôi, phát triển hơn hẳn trồng gừng ngoài đất, giúp ông trúng hơn 8 tấn gừng tươi. Một cách trồng gừng nữa cũng khá độc đáo là trồng gừng trong sọt tre, được bà con huyện Chợ Mới, Châu Phú, Châu thành (An Giang) sáng tạo và áp dụng khá rộng rãi và đạt hiệu quả cao.