Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đã làm giàu nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa lùn (dừa dứa, dừa xiêm xanh…) cho trái sớm, năng suất cao, chất lượng trái ngon.
Cây giống sau khi chọn lựa kỹ, được mua từ những trung tâm sản xuất giống uy tín đem về trồng với khoảng cách: Cây cách cây 7x7m, trồng thâm canh thì 6x6m. Trước tiên phải chuẩn bị hố với kích thước 0,6×0,6×0,6m. Trộn mỗi hố 10 – 15kg phân hữu cơ hoai mục với lớp đất mặt đã được đào lên. Sau đó đắp thêm 1 lớp đất tạo mô thấp khoảng 10 – 20cm so với mặt liếp là vừa.
Đào hốc hình tròn có đường kính 40cm, sâu 40cm ngay giữa mô, bón lót thêm 0,5kg phân lân rải đều xuống hố (đối với vùng đất xấu có thể bón 1kg). Đặt cây giống vào hốc (đặt gáo dừa hướng vào trong liếp, thân cây hướng ra mương) sau đó lấp đất lại, ém đất xung quanh vừa phải, cắm cọc giữ cho cây khỏi ngã hoặc gió lay đứt rễ.
Liều lượng phân bón cho dừa tùy thuộc vào loại đất trồng, có trồng xen hay thâm canh, màu lá trên cây dừa (xanh biếc hay đã ngả vàng), có thể áp dụng theo biểu đồ bên:
Khi cây từ 1 – 3 năm tuổi, mỗi năm bón 2 lần vào khoảng tháng 5 – 6 và khoảng tháng 10. Phân được trộn đều, cuốc 4 lỗ quanh gốc theo hình chiếu tán, cách gốc 0,5 – 1,2m, bón đều lượng phân rồi lấp đất lại. Đối với dừa từ 3,5 – 5 năm sau khi trồng, cây bắt đầu cho trái ổn định ta có thể chia lượng phân ra bón 3 – 4 lần/năm. Lần đầu bón 30% lượng phân vào đầu mùa mưa, lần 2 và 3 bón mỗi lần 20% lượng phân, lần cuối bón 30% trước khi dứt mùa mưa khoảng 1 tháng.
Phân được trộn đều, xới đất xung quanh gốc và cuốc một đường rãnh cách gốc khoảng 1,5 – 2m, sâu 10 cm, rộng 40cm, rải đều phân vào rãnh rồi lấp đất phủ kín bề mặt. Lần bón phân tiếp theo xới đất liền kề và nới rộng ra hơn lần trước. Ngoài ra, cũng có thể rải phân xung quanh gốc dừa sau đó bồi bùn vào đầu mùa mưa. Trên vùng đất phèn bón thêm vôi từ 1 – 3kg/gốc tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất (bón vôi trước, sau vài cơn mưa đầu mùa). Đối với những vùng đất cao nên tưới nước cho dừa vào mùa khô (1 – 2 lần/tuần).