Trồng đậu đũa theo tiêu chuẩn VietGAP
– Đậu đũa là cây ưa nhiệt, có yêu cầu nhiệt độ tương đối cao từ 25-380C, có thể trồng được ở nhiều nơi trên cả nước. Miền Bắc từ tháng 3-10 thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây.
– Đậu đũa đa số là loại cây phản ứng với nhiệt độ, chúng cần lượng nhiệt độ nhất định mới ra hoa. Một loại phản ứng với ánh sáng ngày ngắn, thời gian chiếu sáng 10-12 giờ/ngày thì ra hoa.
– Đậu đũa là cây chịu hạn khá ở giai đoạn cây con, nhưng ở thời kỳ chuẩn bị ra hoa – tạo quả cây cần một lượng nước lớn, nên phải thường xuyên cung cấp nước cho cây. Nếu để đất khô cây sinh trưởng kém, giảm năng suất.
– Đậu đũa là cây ưa đất cát pha, đất thịt nhẹ, độ phì nhiêu cao, tơi xốp, độ pH trung tính (6-7), đất phải chủ động tưới và thoát nước tốt.
2. Quy trình trồng đậu đũa an toàn:
– Thời vụ:
+ Vụ xuân hè: Xuân sớm gieo vào giữa tháng 2; Chính vụ gieo vào đầu tháng 3; Vụ muộn gieo đầu tháng 4. Thu hoạch từ tháng 4-7.
+ Vụ hè thu: gieo từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7. Thu hoạch từ tháng 8-9.
– Làm đất: Đất trồng đậu đũa phải để ải, tơi xốp, sạch nguồn bệnh. Chiều rộng luống: 0,9-1,0m; luống đậu thường cao 0,25-0,30cm.
– Mật độ gieo trồng: khoảng cách hàng 60cm, khoảng cách cây 25-30cm. Thông thường đậu đũa được gieo 2 hạt/hốc với lượng hạt giống khoảng 27-30kg/ha. Hiện nay nếu có điều kiện nguồn vốn ban đầu, giúp tăng vụ, gối vụ, có thời gian để ải đất, có thể áp dụng phương pháp khay-bầu để gieo cây giống trên các khay nhựa 50 lỗ (55cm x 40cm), khi cây có 2 lá mầm hoặc 1 lá thật thì chuyển ra đồng ruộng.
Giá thể của bầu gồm 1/3 là phân chuồng hoai mục, 1/3 là mùn cưa hoặc trấu hun, 1/3 còn lại có thể gồm đất bột, phân rác, than bùn hoặc các chất xơ mục. Cứ 20 kg giá thể thì trộn thêm 1 kg supe lân. Có nhà lưới để sản xuất cây giống cho phương pháp này là tốt nhất.
– Chăm sóc:
+ Bón phân: đối với các cây họ đậu không nên bón đạm nhiều, mà nên dùng lân và kali để tạo cho cây sinh trưởng phát triển tốt, có sức chống chịu với sâu bệnh. Lượng phân cần cho 1ha:
Phân chuồng hoai mục: 15-20 tấn
Phân đạm: 150-200 kg urê
Phân lân: 300-350 kg supe lân
Phân kali: 220-250 kg Sunphat kali
+ Bón thêm vôi bột (300 kg/ha) để cải tạo đất và làm tăng độ phì của đất.
Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân (nếu thời tiết khô ráo bón 1/5 phân đạm, 1/5 phân kali). Bón rải đều theo rạch hàng, trộn đều ở độ sâu 15-20cm và lấp kín đất trước khi gieo hạt hoặc trồng từ bầu ra ruộng.
Lượng phân còn lại dùng để bón thúc chủ yếu vào các thời kỳ sau:Khi cây có 3-4 lá thật: bón phân vào hốc theo hàng kết hợp xới xáo vun nhẹ vào gốc. Khi cây cao 40-50cm bón phân lần 2 kết hợp vun cao, sau đó làm giàn cho cây. Lượng phân đạm và kali bằng 1/2 tổng sốKhi cây ra hoa – quả non bón hết lượng phân còn lại bằng cách tưới hoặc rạch hàng cho vào gốc.
– Tưới nước: Cần dùng nước sạch như nước giếng khoan, nước sông lớn để tưới. Khi cây còn nhỏ, cần giữ độ ẩm đất bằng cách tưới ướt mặt luống. Khi cây sinh trưởng mạnh tưới vào rãnh, 5-7 ngày/lần, để nước thấm đều mặt đất. Nhất là khi cây ra hoa-quả rộ không được thiếu nước. Vụ xuân hè nếu thời tiết khô hạn tưới đủ nước thường xuyên còn có tác dụng hạn chế rệp đậu màu đen, nhện đỏ phát sinh gây hại.
– Phòng trừ sâu bệnh: Thành phần sâu bệnh hại trên đậu đũa giống như trên đậu cô ve leo. Cây đậu đũa thường bị sâu gây hại nặng hơn bệnh hại.
+ Ruồi đục lá Liriomyza sativae Blanch.:
Thường xuất hiện và gây hại suốt thời gian sinh trưởng của cây nhưng mật độ cao thường ở thời kỳ cây bắt đầu ra hoa – quả, chúng có khả năng gây hại nặng ở vụ xuân hè thời điểm tháng 4-5.
+ Rệp Aphis craccivora Koch:
Chúng thường gây hại nặng vào các tháng 3-5 và cuối tháng 9.
+ Nhện đỏ Tetranychus cinnabarinus Boisd.:
thường gây hại nặng trên đậu đũa vụ xuân hè nhất là khi thời tiết khô hạn, chăm bón kém.
+ Sâu đục quả đậu Maruca vitrata Geyer:
Chúng gây hại trên nụ, hoa, quả là chính, khi mật độ cao chúng gây hại cả trên búp lá non. Đậu đũa vụ xuân hè thu quả tháng 4-5 bị hại nặng hơn đậu đũa vụ hè thu . Đỉnh cao mật độ thường vào lúc hoa – quả rộ đầu vụ thu hoạch.
+ Bệnh lở cổ rễ:
Thường gây hại ở đậu đũa vụ xuân hè, vụ hè thu ít bị hại hơn .
+ Bệnh thán thư Collectotrichum sp.:
Bệnh gây hại cả trên lá, thân, cành quả. Đậu đũa vụ hè thu thường bị hại nặng hơn vụ xuân hè.
+ Bệnh phấn trắng Erysiphe cichoracearum:
Bệnh xuất hiện suốt thời gian sinh trưởng của cây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên đậu đũa vụ xuân hè sau đó đến hè thu. Ngoài ra trên đậu đũa còn xuất hiện một số loài sâu bệnh hại khác như ruồi đục quả, sâu xanh, bọ trĩ, sâu róm, bệnh đốm xám,… chúng cũng xuất hiện và gây hại cục bộ tuỳ theo từng năm. Biện pháp phòng trừ tổng hợp: giống như các biện pháp áp dụng trên đậu cô ve leo.
3. Thu hoạch, đóng gói vận chuyển, bảo quản:
Đậu đũa được dùng làm rau tươi là chính, vì vậy khi quả phát triển khoảng như chiếc đũa, quả còn non hạt mới chỉ bằng hạt thóc là thu hái. Nếu để già quả hoá xơ nhiều ảnh hưởng đến chất lượng rau. Sau khi thu hái cần vận chuyển đến nơi tiêu thụ ngay vì nếu để quả bị mất nước sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất của rau. Cần phải thu hái quả vào lúc sáng sớm, khi chưa tiêu thụ kịp cần cất giữ quả ở điều kiện mát, thông thoáng.