Trồng cà chua ghép gốc cà tím ở Long An
Giống ghép kháng bệnh, chịu ngập
Ngọn cà chua ghép gốc cà tím là một trong những loại cây được trồng thử nghiệm tại nhà màng thuộc đề tài “Chuyển giao các quy trình công nghệ cao sản xuất rau an toàn trong nhà màng” do Đại học Cần Thơ chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An và Sở Khoa học và Công nghệ Long An.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trung tâm Khuyến nông Long An – cho biết: “Nông dân ở các tỉnh Cần Thơ, Đà Lạt đã chuyển từ gieo hạt sang đặt cây con ghép từ lâu; nhưng ở Long An thì điều này còn khá mới mẻ, cây ghép chưa được sản xuất đại trà.
Mục tiêu của đề tài là tập cho người nông dân thói quen sử dụng cây giống sạch bệnh. Thay vì gieo hạt ngoài đồng, người dân mua cây con về trồng, ngoài việc giảm nguy cơ nhiễm bệnh còn có thể rút ngắn thời gian canh tác gần 2 tháng” – bà Hạnh nói.
Về kỹ thuật ghép, bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng – Đại học Cần Thơ – cho biết: “Gốc cà tím từ 27-35 ngày tuổi là vừa để ghép, cà chua gieo sau đó 4-5 ngày”.
Tuy nhiên theo bà Cẩm Hằng, để cây sống khỏe mạnh, vai trò của kỹ thuật ghép chỉ chiếm 30%, quá trình chăm sóc quyết định đến 70%. Trong 3 ngày đầu, cây ghép phải được để ở khu vực mát mẻ và phun nước thường xuyên trên lá để tránh mất nước. Đến ngày thứ tư, khi vết ghép đã liền thì bắt đầu từ từ đưa cây ra ánh nắng.
Ví dụ, ngày đầu tiên đưa cây ra nắng khoảng 1 tiếng đồng hồ, từ 8h- 9h. Đến ngày thứ hai thì tăng lên 2 tiếng và tăng dần mỗi ngày. Nếu ra nắng không bị héo nghĩa là cây đã sống. Thông thường, cây ghép sau 13-15 ngày là có thể ra đồng.
Bà Hạnh cho biết: “Ưu điểm chính của kỹ thuật này là tạo ra cây giống sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh héo xanh do vi khuẩn và chịu được ngập úng. Năng suất và phẩm chất trái không thay đổi”.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng nói thêm, trong diện tích 1.000m2, nếu không dùng cây ghép thì đến giai đoạn ra hoa, cây dễ bị bệnh héo xanh, giảm năng suất. Trong khi đó, cây ghép sạch bệnh, số lượng chết ít hơn, năng suất cả vườn sẽ cao hơn.
Sẽ mở rộng ghép nhiều loại cây
Nêu lợi ích của việc trồng cà chua nói riêng và trồng rau nói chung trong nhà màng, bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng hồ hởi chia sẻ: “Nhà màng giúp hạn chế sâu bệnh rất nhiều. Vì thế, từ khi cây được trồng tới khi thu hoạch hoàn toàn không phải phun thuốc. Với những côn trùng lọt vào, chúng tôi có sử dụng bẫy màu bắt”.
Bên cạnh đó, việc sử dụng giá thể làm từ xơ dừa và phân trùn quế với dinh dưỡng được cung cấp theo hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp người trồng kiểm soát và tính toán được lượng dinh dưỡng vừa đủ cho cây.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An, chủ nhiệm đề tài – cho biết: “Đối với nông nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ khoa học không chỉ bao gồm các công nghệ trồng, tưới bón mà còn phải quan tâm tới công tác nghiên cứu và sản xuất giống; nhất là trong điều kiện nhà màng nóng ẩm, cần có giống phù hợp, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao”.
Đánh giá mô hình cấy ghép cà chua với gốc cà tím, theo ông Tùng, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Long An mới đang tiếp nhận quy trình, vừa học vừa thực hành và đánh giá.
“Trong điều kiện nhà màng, chế độ nước, dinh dưỡng đều được lập trình hết rồi nên đòi hỏi người trồng phải có sự quan sát tỉ mỉ. Cây được cung cấp nước, dinh dưỡng như nhau thì phải phát triển giống nhau. Nhiều khi do vòi phun có sự cố, thường cây sẽ có biểu hiện ra bên ngoài nên người trồng cần quan sát cẩn thận để kịp thời xử lý” – ông Tùng nói.
Nói về tương lai của đề tài sau khi hoàn thành khảo nghiệm trong nhà màng, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Sau khi đề tài kết thúc, chúng tôi sẽ chuyển giao cho người dân công nghệ vườn ươm, công nghệ ghép gốc cũng như cách khắc phục bệnh phổ biến ở cà chua, giúp cây chịu úng và khô hạn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiến hành thử nghiệm ghép dưa leo trên gốc bầu hoặc trên gốc ớt hoang dại, giúp hệ thống gốc ghép hoang dại chịu được môi trường khắc nghiệt và nuôi dưỡng cây phía trên”.