Tình hình dịch bệnh và kiểm soát dịch bênh trên tôm nước lợ
Diện tích nuôi tôm bị bệnh tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSCL và một số tỉnh khu vực Trung Trung bộ.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 05/6/2013, diện tích nuôi tôm đã thả giống là 570.348 ha bằng 92,4% so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm sú 552.337 ha, bằng 91,4% so cùng kỳ 2012, nuôi tôm thẻ chân trắng 18.011 ha, bằng 143,0% cùng kỳ năm 2012. Diện tích thả nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh vùng ĐBSCL là 542.197 ha bằng 95,1% diện tích thả nuôi cả nước trong đó diện tích nuôi tôm sú là 529.493 ha, nuôi tôm chân trắng là 12.704 ha.
Năm nay do thời thiết không thuận lợi, đầu năm nắng nóng bất thường ở các tỉnh ĐBSCL nên dịch bệnh vẫn xảy ra. Bệnh tôm xảy ra ở nhiều địa phương, bao gồm bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy.
Theo báo cáo của các địa phương tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi nước lợ theo chiều hướng bệnh đốm trắng nhiều, chiếm chủ yếu, bệnh hoại tử gan tụy đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2011 và 2012. Một số địa phương, các hộ nuôi tôm đã kiểm soát tốt đối với hội chứng hoại tử gan tụy.
Trong khi đó, người nuôi tôm sau nhiều tổn thất do dịch bệnh, thiếu vốn sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng còn khó khăn. Bảo hiểm trong nuôi tôm đã được triển khai thí điểm, mang lại một số kết quả tốt, tuy nhiên quá trình thực hiện có một số vướng mắc trong quy chế giám sát, đánh giá thiệt hại, quy trình bồi thường… nên thời gian qua việc tiếp tục triển khai bảo hiểm trong nuôi tôm còn chậm. Các rào cản kỹ thuật như Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản, phán quyết sơ bộ về thuế chống trợ cấp trong nuôi tôm của Hoa Kỳ, thông báo ngưng nhập khẩu tôm từ Việt nam của Mehico cũng gây khó khăn không ít cả về tâm lý lẫn thực tế sản xuất tôm nước lợ.
Kiểm soát dịch bệnh còn nhiều hạn chế
Trong khi dịch bệnh tôm gây nhiều thiệt hại thì công tác kiển soát dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế. Trước hết phải kể đến công tác kiểm soát chất lượng tôm giống chưa được làm tốt. Nhiều trại giống chưa đảm bảo điều kiện sản xuất giống, một lượng lớn tôm giống chất lượng thấp và một vài cơ sở sản xuất tôm chân trắng sử dụng tôm F1 làm bố mẹ gây ảnh hưởng tới kết quả nuôi trồng. Tình trạng cơ sở cung ứng giống cỡ nhỏ không đạt tiêu chuẩn và còn một lượng giống trôi nổi không kiểm soát chất lượng, không được kiểm dịch. Công tác kiểm dịch nhiều nơi còn mang tính hình thức hoặc chỉ kiểm bằng cảm quan không phát hiện được mầm bệnh trong con giống.
Hội chứng hoại tử gan tụy có ở ngay giai đoạn tôm giống, nhưng trong kiểm soát chất lượng tôm giống chúng ta còn lúng túng, chưa nắm rõ phương pháp kiểm soát. Kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân gây hội chứng hoại tử gan tụy và các giải pháp phòng trị hiệu quả ở tôm nuôi mặc dù đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, tuyên truyền, phổ biến tới các địa phương, nhưng chưa đến được rộng rãi trong cộng đồng các nhà quản lý, người nuôi tôm, do vậy việc áp dụng trong thực tiễn quản lý, sản xuất giống, nuôi tôm còn rất hạn chế.
Cùng với đó, bệnh đốm trắng đã xác định rõ tác nhân gây bệnh, có một số giải pháp phòng trị được đề xuất, nhưng các nghiên cứu bổ sung để có các giải pháp toàn diện, hữu hiệu trong quản lý và kỹ thuật nuôi tôm nhằm phòng ngừadịch bệnh.
Cơ hội phát triển
Mặc dù nuôi tôm trong nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng triển vọng phát triển cho đối tượng này vẫn còn nhiều cơ hội. Thị trường tiêu thụ tôm thế giới có dấu hiệu tăng trở lại, tôm trong nước được giá, một số nước sản xuất tôm lớn như Thái Lan tiếp tục bị dịch bệnh trầm trọng làm giảm sút nguồn cung tôm cho thị trường.
Có thể trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ nới lỏng việc kiểm soát Ethoxyquin về tần suất và hàm lượng giới hạn cho phép với tôm nhập khẩu từ Việt Nam sau khi chúng ta cung cấp cho Nhật Bản các thông tin về biện pháp kiểm soát, kỹ thuật nuôi đảm bảo kiểm soát nguy cơ Ethoxyquin ở tôm nuôi nước lợ. Bên cạnh đó, hội chứng hoại tử gan tụy và các biện pháp khắc phục rào cản Ethoxyquin đã có những kết quả quan trọng về xác định nguyên nhân gây bệnh và các biện pháp phòng ngừ có hiệu quả, làm cơ sở nuôi tôm có hiệu quả.
Năm 2013, chỉ tiêu về diện tích thả nuôi 655.000, tôm sú là 615.000( bằng 99,29% so với năm 2012), tôm chân trắng là 40.000 ha (bằng 104,79% so với năm 2012). Về sản lượng sẽ đạt 530.000 tấn, trong đó tôm sú 340.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 190.000 tấn. Để thực hiện tốt kế hoạch này, trong 6 tháng cuối năm 2013, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
1/Kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc chất lượng tôm giống, ngoài các tác nhân gây bệnh như: đốm trắng, đầu vàng, MBV;
2/Rà soát điều kiện sản xuất các trại tôm giống từ chất lượng tôm bố mẹ, nguồn nước, sử dụng chế phẩm, chất tẩy trùng, quy trình quản lý trại giống…áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo tôm giống có chất lượng tốt, sạch bệnh;
3/Tăng cường kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm đang lưu hành trên thị trường, nghiêm cấm sản xuất kinh doanh các loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng, thông tin rộng rãi chất lượng các chế phẩm đến cộng đồng sản xuất giống và nuôi tôm; 4/Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phòng trừ
bệnh đốm trắng và nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các kết quả về Hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm; 5/Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn để các tiến bộ kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu, các mô hình nuôi tôm có hiệu quả nhanh chóng đến được tới các người nuôi tôm rộng rãi trong cả nước.
Tags: dich benh, tom nuoc lo, nuoi tom, nuoi thuy san