Tiềm năng phát triển nuôi cá nâu tại Cần Giờ – Giới thiệu
Đây sẽ là nơi ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hướng đến tổ chức hướng dẫn thực hành và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và cá thể nuôi trồng trong phạm vi các vùng, miền trong cả nước.
Theo mục tiêu và định hướng phát triển của Khu thủy sản công nghệ cao, trong năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM tiến hành triển khai đề tài nghiên cứu trên đối tượng cá nâu tại Cần Giờ, làm cơ sở bước đầu để sản xuất giống đối tượng này cho mục đích phát triển nuôi thương phẩm.
Cá nâu phân bố rộng rãi ở nhiều khu vực trên thế giới, giống cá nâu có 2 loài gồm Scatophagus argus và Scatophagus tetracanthus.
Ở Việt Nam, cá nâu chỉ có 1 loài là Scatophagus argus.
Chúng phân bố ở khắp các vùng biển từ Bắc vào Nam, từ ngoài khơi đến vùng cửa sông ven biển.
Cá nâu là loài cá rộng muối, chúng có thể sống ở vùng nước ngọt, nước lợ, nước biển, khu vực rạn san hô.
Cá thường sống ở độ sâu 1 – 4 m, nhiệt độ 20 – 280C.
Cá ngoài tự nhiên thường đánh bắt được cỡ 70 – 300 g/con, cá có thể lớn tối đa đến 1,2 kg/con.
Cá thường sinh sản sau 1 năm tuổi, đạt cỡ 150 – 350 g, mùa sinh sản kéo dài từ tháng 7 – 9 (miền Bắc) và tháng 4 – 10 (miền Nam).
Cá nâu là loài cá ăn tạp, bao gồm mùn bã hữu cơ, động vật đáy, ấu trùng côn trùng, cá con, ruốc, tôm nhỏ, cua con, nhuyễn thể hai mảnh vỏ nhỏ và một số loài rong.
Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Xuân Đồng (2012) về đặc điểm sinh học của cá nâu tại huyện Cần Giờ, thời gian sinh sản của cá từ tháng 5 – 11, cao nhất là tháng 7 – 9.
Cá nâu là loài có sức sinh sản rất cao so với một số loài cá khác như cá chẽm, cá mú, cá chốt, cá rô biển …