Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Thục Hưng 12, giống lúa lai chất lượng

Đây là giống chịu thâm canh, chống chịu sâu bệnh tốt và có tiềm năng suất cao, cho cơm mềm, dẻo, ngon,…

Sản xuất lúa Thục Hưng 12 được cả năng suất lẫn chất lượng

Ngày 11/4/2017, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có quyết định công nhận sản xuất thử vụ xuân, vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc giống lúa lai ba dòng Thục Hưng 12 của Cty TNHH Giống nghiệp Thục Hưng (Tứ Xuyên, Trung Quốc).

Đưa vào hệ thống khảo nghiệm Quốc gia qua nhiều vụ liên tiếp tại 7 tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái phía Bắc như Hòa Bình, Yên Bái, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá… lúa Thục Hưng 12 được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia đánh giá là giống có triển vọng về năng suất, chất lượng cao. Lúa có mức độ nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh hại lúa chính như đạo ôn, khô vằn, sâu đục thân, cuốn lá và rầy nâu.

Qua quá trình SX giống Thục Hưng 12 cả vụ xuân lẫn vụ mùa, Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Ninh Bình nhận thấy, đây là giống có nhiều ưu thế phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, năng suất cao hơn giống lúa lai đối chứng, chịu thâm canh, chống chịu sâu bệnh tốt và có tiềm năng suất cao. Cho cơm mềm, dẻo, ngon, được nông dân chấp nhận và mở rộng diện tích gieo cấy.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), giống Thục Hưng 12 có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ mùa 108 ngày), đẻ nhánh khỏe, cứng cây, chống chịu bệnh bạc lá tốt, năng suất hơn đối chứng 10,1%. Chất lượng gạo trong, không bạc bụng, cơm dẻo, đậm cơm hơn giống đối chứng, được nông dân ưa chuộng.

Trạm Khuyến nông các huyện Yên Lập, Cẩm Khê (Phú Thọ) cũng nhận xét, giống Thục Hưng gieo cấy trong vụ xuân chịu rét tốt, sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn giống đối chứng, năng suất cao hơn giống đối chứng 9,3% (tại Yên Lâp), cao hơn giống đối chứng 12,7% (tại Cẩm Khê). Chất lượng gạo trong, ít bạc bụng, cơm dẻo.

Để SX giống lúa Thục Hưng 12 đạt hiệu quả cao, Cty CP Giống nghiệp Thục Hưng khuyến cáo, thời vụ gieo cấy cụ thể áp dụng theo lịch gieo cấy của từng địa phương. Vụ xuân muộn từ ngày 5  – 25/2. Vụ mùa sớm từ 10 – 20/6.

Hạt giống phải được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, không sử dụng hạt giống đã quá hạn, không sử dụng thóc thương phẩm để làm giống cho vụ sau.

Dùng nước sạch để ngâm ủ hạt giống. Khi ngâm cứ 4 – 5 giờ thay nước một lần. Khi hạt thóc no nước, đãi sạch để ráo nước và ủ trong thúng (không ủ trong bao dứa hoặc túi nilon), khi ủ nếu thóc khô thì cần tưới ẩm. Khi hạt thóc nứt nanh, thóc nóng cần đảo đều để hạ nhiệt độ để tránh thối mầm. Khi mầm dài bằng 1/3 hạt thóc thì mang gieo.

Thời gian ngâm tùy theo mùa vụ và điều kiện thời tiết. Vụ xuân ngâm 20 – 24 tiếng. Vụ mùa ngâm 12 – 14 tiếng. Mật độ cấy 35 – 40 khóm/m2, cấy 1 dảnh/khóm, cấy nông tay.

Bón phân chuồng 400 – 500kg/sào Bắc Bộ 360m2, 500 – 600kg/sào Trung Bộ (500m2). Phân lân 18 – 20kg/sào 360m2, 25 – 30kg/sào 500m2. Phân đạm 8 – 9kg/sào 360m2, 10 – 12kg/sào 500m2. Phân kali 7 – 8kg/sào 360m2, 9 – 11kg/sào 500m2. Chú ý vụ mùa lượng đạm giảm 10 – 15%, tăng lượng kali 10 – 15%.

Bón lót toàn bộ phân chuồng + phân lân + 30% phân đạm + 20% kali. Thúc đợt 1 sau cấy 7 – 10 ngày khi lúa bến rễ hồi xanh, bón 40% phân đạm và 40% phân kali. Thúc đợt 2 trước trỗ 18 – 20 ngày, bón toàn bộ lượng phân còn lại.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu, bệnh để phòng trừ kịp thời.

Giống Thục Hưng 12 được chọn tạo từ tổ hợp lai S1A/SH815. Tại Trung Quốc giống có tên gọi là TH815, thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống Sán ưu 63 khoảng 3 ngày, dạng hình cây khỏe, đồng đều, lá màu xanh đậm, kháng bệnh đạo ôn. Giống có tiềm năng năng suất cao, năng suất vượt giống đối chứng Sán ưu 63 từ 6,18 – 10,68%.

Công ty TNHH Giống nghiệp Thục Hưng ủy quyền cho Cty CP Đầu tư thương mại Đại Dương đăng ký bảo hộ và phân phối độc quyền sản phẩm tại Việt Nam.