Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Thêm một giống lúa ‘nói không với bạc lá’

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan (nguyên giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng vừa công bố, đã chuyển thành công gen kháng bạc lá Xa7 vào giống lúa thuần Hương Biển 3 bằng phương pháp lai lại backcross.

Giống lúa Hương Biển 3 kháng bạc lá tại huyện An Lão (Hải Phòng) hoàn toàn sạch bệnh, nhất là với bạc lá

Theo TS Hoan, đây là giống lúa thứ 2 tại phía Bắc nước ta thực sự có khả năng kháng được bệnh bạc lá, sau thành công của giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá trước đây.

Cũng như nhiều địa phương vùng ĐHSH, Hải Phòng năm nay có một vụ lúa mùa đáng buồn khi hàng loạt dịch bệnh tấn công. Tại vùng lúa chủ lực ở huyện An Lão, những cánh đồng bị nhiễm đủ thứ bệnh, nào bạc lá, cháy rầy, và nhất là dịch lùn sọc đen tàn phá trông thật thảm hại.

Xã Tân Viên (huyện An Lão) vốn là nơi có trình độ thâm canh lúa hàng đầu trong huyện cũng không thoát khỏi tình cảnh dịch bệnh nặng nề. Ông Nguyễn Ngọc Bồi, Chủ tịch UBND xã này cho biết, chỉ riêng diện tích lúa bị mất trắng do bệnh lùn sọc đen toàn xã đã xấp xỉ 100ha (trong tổng số hơn 360ha lúa toàn xã), số còn lại bị nhiễm bệnh bạc lá phần lớn.

Đứng sừng sững giữa những cánh đồng dặt dẹo vì dịch bệnh, gần 1ha giống lúa Hương Biển 3 ở xã Tân Viên tạo nên bức tranh hoàn toàn tương phản khi lúa gần như sạch bệnh.

“Hương Biển 3 là giống lúa đã được trồng ở địa bàn xã từ lâu, nhưng đây là năm mà chúng tôi rất bất ngờ về khả năng kháng bệnh của giống lúa này, nhất là bệnh lùn sọc đen và đặc biệt là bệnh bạc lá. Với vụ mùa khó khăn, gần như mất mùa 50 – 60% như năm nay, giống Hương Biển 3 đạt năng suất trên 7 tấn/ha là điều hết sức bất ngờ”, ông Bồi ngạc nhiên.

TS Nguyễn Văn Hoan cho biết: Để thực hiện cho chiến lược “cải tiến” giống Hương Biển 3, đích thân ông đã tự bỏ tiền túi đầu tư hẳn một trung tâm nghiên cứu giống lúa tại Tây Nguyên để tiến hành lai tạo mỗi năm 3 vụ. Nếu như gen Xa21 trước đây đã từng thành công khi chuyển vào giống lúa Bắc thơm 7, thì gen mục đích lần này được lựa chọn lại là Xa7.

Theo TS Hoan, nếu như gen Xa21 chỉ có thể kháng được 7 chủng bạc lá, thì qua hơn 15 năm nghiên cứu cùng với các chuyên gia Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, gen Xa7 có khả năng kháng được tới 11/13 chủng bạc lá tại phía Bắc, trong đó có 3 chủng cực độc tại Hải Hậu (Nam Định), Thanh Hóa và Quảng Bình.

“Đến nay, sau gần 4 năm nghiên cứu tích hợp gen Xa7 vào giống Hương Biển 3 và tiến hành nhiều vụ lai tạo, các kết quả kiểm tra mẫu lá lúa tại Viện BVTV cho thấy sự hiện diện và hoạt động của gen rất ổn định, khả năng kháng với bệnh bạc lá gần như đạt 100%”, TS Hoan khẳng định.

Không chỉ thành công mỹ mãn với khả năng kháng bạc lá, TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, việc đưa gen Xa7 vào giống Hương Biển 3 đã thu được những kết quả may mắn ngoài mong đợi.

Trước đây, mặc dù là giống lúa thuần có tiềm năng năng suất, chống chịu bệnh khá, tuy nhiên Hương Biển 3 là giống lúa có nhược điểm dài ngày, thuộc nhóm lúa cảm ôn (mẫn cảm với thời tiết lạnh giai đoạn phân hóa đòng).

TS Hoan cho biết, trong quá trình tích hợp gen Xa7 vào giống lúa này, điều may mắn là gen Xa7 đã giúp giống cải thiện hoàn toàn những nhược điểm trước đây. Theo đó, đối với vụ mùa, thời gian sinh trưởng của giống Hương Biển 3 chỉ còn từ 100 – 102 ngày, thuộc vào nhóm giống lúa rất ngắn ngày.

Ảnh: Lê Bền

Bà Phạm Thị Cằng, GĐ Cty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng tiết lộ: Được công nhận chính thức là giống lúa quốc gia năm 2016, tuy nhiên thời gian qua, Cty chưa vội đẩy mạnh phân phối giống lúa Hương Biển 3. Trước xu thế rủi ro thời tiết và dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt, ngay từ năm 2014, Cty đã ấp ủ chiến lược tích hợp gen kháng bạc lá cho giống lúa này, với sự giúp sức của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Đặc biệt, Cty đã phối hợp chặt chẽ với PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, người từng có bề dày kinh nghiệm và đã đi trước đón đầu về xu thế chọn tạo giống lúa theo hướng tích hợp các gen mục đích kháng bệnh, trong đó đã thành công đối với giống lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá.