Thành Công Bước Đầu Trong Phòng Trị Bệnh Chổi Rồng
Trước diễn biến phức tạp của bệnh chổi rồng gây hại nặng trên cây nhãn, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai mô hình thử nghiệm quản lý bệnh chổi rồng trên diện tích 8ha của 20 hộ trồng nhãn tại ấp Phú Bình, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành.
Sau 4 tháng thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức đánh giá kết quả thí điểm mô hình với sự tham gia của gần 100 nhà vườn, cán bộ kỹ thuật các Trạm Bảo vệ thực vật của các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Viện Cây ăn quả miền Nam và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam.
Theo đánh giá, mô hình bước đầu đã mang lại những tín hiệu khả quan. Trong 4 nhóm hiện trạng cây tương đương 4 thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình gồm: nhóm cây cắt sạch cành hoàn toàn; nhóm cây đang cơi đọt (đọt non) 1, cơi đọt 2 ; nhóm cây mang bông trái, kết quả cho thấy nhóm cây cắt sạch hoàn toàn, áp dụng theo qui trình có tỷ lệ bệnh chổi rồng thấp nhất, tỷ lệ kết trái đạt khoảng 80%.
Qua thử nghiệm, có 20 hộ tuân thủ theo đúng qui trình kỹ thuật phòng trị bước đầu cho lợi nhuận bình quân 29 triệu đồng/ha, trong khi vườn đối chứng không xử lý theo qui trình kỹ thuật thì hầu như không cho năng suất và lỗ chi phí chăm sóc trên 11 triệu đồng/ha.
Hộ ông Lê Văn Phim, với 4 công (4.000 m2) nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng, 2 năm trở lại đây bị thất thu hoàn toàn, qua phòng trị theo qui trình kỹ thuật xử lý bệnh, chăm sóc bón phân tăng dinh dưỡng cho cây, vườn nhãn đã dần khôi phục. Kết thúc mùa vụ, bình quân mỗi công nhãn sau khi trừ chi phí thu lãi gần 13 triệu đồng.
Tương tự, hộ ông Phan Minh Thành với 100 gốc nhãn có đến 50% bị bệnh, ông đã thực hiện cắt cành tỉa tán, vệ sinh sạch vườn tránh côn trùng ẩn náu, xử lý thuốc, bón phân tăng thêm dinh dưỡng cho cây. Kết quả, vụ này mỗi công nhãn ông còn lãi được 4 triệu đồng trong khi mùa vụ năm 2010, thu hoạch 5 công nhãn không đủ bù chi phí.
Qua thực tế, nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý và phòng trị bệnh chổi rồng cũng được rút ra. Trong đó, hạn chế lớn nhất của các nhà vườn hiện nay là còn canh tác theo phương pháp truyền thống, chỉ tập trung xử lý ra hoa mà chưa quan tâm đến khâu chăm sóc, đầu tư phân bón cho cây, nhất là phân bón hữu cơ, từ đó cây bị suy kiệt, vi khuẩn gây bệnh dễ xâm nhập.
Mặt khác, nhà vườn chưa quen việc ghi chép kỹ thuật canh tác, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên không thể theo dõi diễn biến của dịch bệnh để phòng trị kịp thời.
Theo ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam: Bệnh chổi rồng chủ yếu do loài nhện lông nhung truyền virus làm cho cây nhãn ra chùm hoa biến dạng hình như chổi rồng, sau đó khô héo.
Bệnh này tuy không làm chết cây nhãn nhưng giảm năng suất đáng kể. Muốn phòng bệnh, trước hết nhà vườn phải tiêu diệt tác nhân truyền bệnh – tức là nhện lông nhung.
Đây là loại côn trùng rất nhỏ, mắt thường không thấy và nó có khả năng di chuyển phán tán, lây lan mầm bệnh rất cao. Vì vậy, việc phòng chống bệnh chổi rồng phải được nhà vườn tiến hành đồng loạt, mang tính cộng đồng.
Nhà vườn không nên nóng vội chặt bỏ nhãn để trồng lại giống mới hoặc cây trồng khác bởi bệnh chổi rồng có thể phòng trị được nếu áp dụng đúng qui trình kỹ thuật.
Hiện tại, trong tổng số gần 4.300 ha nhãn của tỉnh Đồng Tháp đã có trên 80% diện tích bị bệnh chổi rồng. Với sự lây lan của dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh nhằm tập trung mọi nguồn lực để dập dịch và xử lý triệt để bệnh chổi rồng trên cây nhãn.
Với kết quả thử nghiệm vừa qua, nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý và phòng trị bệnh chổi rồng trên nhãn được rút ra, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và nhà vườn đang tiếp tục triển khai các biện pháp dập dịch, cùng các chính sách hỗ trợ nhằm giúp nông dân trồng nhãn sớm khắc phục tốt dịch bệnh, khôi phục và phát triển loại trái cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao của địa phương./.