Rệp sáp gây hại rễ – mối đe dọa các vườn bưởi da xanh
Có nhiều loài Rệp Sáp hiện diện trên bưởi có thể chia Rệp Sáp ra làm 2 nhóm: nhóm Rệp Sáp dính và nhóm Rệp Sáp bông với loài phổ biến như Pseudococcus, Planococcus và Icerya purchasi.. Các loài Rệp Sáp đều có chu kỳ sinh truởng ngắn, khả năng sinh sản cao, có loài đẻ trứng, có loài đẻ con, nếu điều kiện môi trường thích hợp sẽ có khả năng bộc phát nhanh. Tùy theo lòai mà có kích thước, hình dạng và màu sắc khác nhau. Nhóm rệp sáp dính thường cố định. Nhóm rệp sáp phấn vẫn có thể di chuyển.
Rệp cái có 3 giai đoạn phát dục là trứng, rệp non và trưởng thành. Rệp đực có thêm giai đoạn nhộng. Rệp sống và hút nhựa trên chồi non, lá và trái làm lá héo vàng, chồi và trái chậm phát triển. Cả trưởng thành và rệp non đều gây hại. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng, cành bị khô và chết, trái cũng có thể bị biến mầu, phát triển kém và bị rụng. Bên cạnh đó mật ngọt do rầy tiết ra sẽ giúp nấm bồ hóng phát triển, làm vỏ trái bị đen, ảnh hưởng đến vẻ đẹp bên ngoài của trái. Gây hại chủ yếu vào mùa nắng.
Rệp sáp là lọai đa ký chủ gây hại trên nhiều lọai cây trồng và trên nhiều bộ phận của cây như lá, thân, trái. Hiện nay nguy hiểm nhất là rệp sáp gây hại trên rễ bưởi, có thể làm chết cây. Trong mùa khô rệp sáp chuyển xuống đất quanh gốc cây để sinh sống, hút nhựa, phá hại gốc và rễ, mật độ rệp cao có thể làm cây bị héo vàng và chết. Đa số nông dân không phát hiện được sớm khi rễ bưởi mới bắt đầu bị rệp sáp tấn công, do đó đưa đến tình trạng cây suy kiệt, khó phục hồi. Triệu chứng đầu tiên là lá bưởi bị vàng, cây còi cọc, kém phát triển ( mặc dù đã bón phân đầy đủ) thì có thể cây đã bị rệp sáp tấn công rễ, nhưng muốn biết chính xác thì phải đào đất để xem phần rễ bên dưới, vì triệu chứng lá vàng cũng có thể do rễ bị nấm Fusarium sp hoặc bị tuyến trùng gây hại.
Khi rễ bị rệp sáp gây hại thì dễ dàng phát hiện vì chúng đeo bám vùng chóp rễ. Nếu thấy chóp rễ bị thối nhũn là do nấm bệnh tấn công. Trường hợp do tuyến trùng gây hại thì trên bề mặt rễ sẽ có những u bướu nhỏ như hạt cát bám chung quanh. Thường rệp sáp lây lan qua cây giống, chúng nằm trong những bầu cây con, nông dân mua về nhưng không để ý và đem trồng, sau đó chúng sẽ nhân mật số rất nhanh. Thông thường những vườn bưởi có xuất hiện những tai nấm to, màu vàng nâu (nấm rễ) gần gốc bưởi là có thể có rệp sáp gây hại vùng rễ.
* Biện pháp phòng trừ ?
* Đối với rệp sáp gây hại trên cành, lá, trái:
– Vệ sinh cho vườn cây thông thoáng, ngắt bỏ các lá, cành có nhiều rệp;
– Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến hôi. Nếu trên thân cây có nhiều kiến hôi thì mỗi lần xịt thuốc trừ rệp thì nên xịt cả thân cành để trừ kiến hôi;
– Phun nước với áp lực mạnh rửa trôi rệp sáp;
– Nuôi kiến vàng cũng hạn chế được rệp;
– Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là giai đoạn cây có đọt non , lá non, bông, trái. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc như : Dầu khoáng SK- EnSPray 99, Supracide 40EC, Mapy 48EC, Regent 5SC, Marshal 200SC, … phun trực tiếp vào chỗ có rệp bám. Ở giai đoạn trái già sắp chín nếu có phun thuốc phải chú ý bảo đảm thời gian cách ly thuốc để giữ an toàn cho người ăn.
* Đối với rệp sáp rễ:
– Rệp sáp rễ rất khó phòng trừ vì thường nông dân phát hiện muộn. Đặc tính rệp sáp rễ là khi rệp tuổi 1 thì chúng không bám vào rễ bưởi mà nằm bên ngòai, giai đọan này nếu phòng trừ rất dễ.
– Đối với rệp sáp rễ nên dùng biện pháp rãi thuốc hạt chung quanh gốc. Sử dụng thuốc Basudin 10H để rãi, trước khi rãi 2-3 ngày nên tưới nước đẫm cho rệp trồi lên trên gần mặt đất và sau khi rãi phải tưới nước để thuốc hòa tan thấm xuống rễ.