Quy Trình Sản Xuất Mía Công Nghệ Cao Cây Mía
Thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng có ảnh hưởng mạnh đến năng suất và chất lượng của cây mía. Mía sinh trưởng mạnh nhất vào các tháng mùa hè có nhiệt độ cao, thời gian chiếu sáng dài. Lượng mưa yêu cầu đạt từ 1.500-2.000mm/năm, phân bố đều quanh năm. Chọn đất trồng bằng phẳng hoặc độ dốc thấp dưới 100, tầng canh tác dày, giàu mùn và các chất dinh dưỡng, khả năng giữ ẩm tốt, độ pH=6,5-7,5.
Chọn và nhân giống: Nên chọn các giống mía có tiềm năng năng suất cao, hàm lượng đường cao, chịu thâm canh, khả năng tái sinh tốt. Các tỉnh phía Bắc nên trồng các giống: ROC10, ROC 16, ROC 23, VN85-1859, My55-14, QĐ15; các tỉnh phía Nam nên trồng các giống: K84-200, VN84-1437, R570… Cây và hom giống có thể được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô (Invitro), giâm hom 1 mầm hoặc trồng bằng hom thân từ các cây mẹ (phải đạt 6 tháng tuổi) sạch sâu bệnh, sinh trưởng khoẻ.
Thời vụ: Miền Bắc trồng tốt nhất từ tháng 1 đến tháng 3, miền Nam từ tháng 3 đến tháng 6.
Làm đất: Cày lật đất sâu 18-20cm, cày xong bừa nhỏ đất ngay và tiếp tục cày sâu không lật đất lần 1 sâu 30-35cm, lần 2 sâu 35-40cm. Yêu cầu đất làm xong phải đảm bảo tơi xốp, sạch cỏ dại.
Mật độ trồng: Với cây giống nuôi cấy mô hoặc hom 1 mầm trong túi bầu thì trồng với khoảng cách hàng từ 100-120cm; lượng giống sử dụng từ 4-4,5 tấn/ha.
Cách trồng: Cày rạch hàng với khoảng cách 120cm, sâu 35cm. Tưới nước vào rãnh trước khi đặt hom, tưới đến đâu đặt hom đến đấy. Hom đặt sâu 2/3 độ sâu rãnh, hướng phần ngọn lên trên, sau đó phủ một lớp đất dày 2-3cm, tiếp đến phủ nilon ngay.
Bón phân: Bón đủ thành phần, lượng bón bao gồm: 12-15 tấn phân chuồng/ha (hoặc 2-3 tấn/ha phân vi sinh chế biến từ bã bùn, phụ phẩm mía + NPK tỉ lệ: 2:1:2 (700kg urê, 500kg lân) + Thermophosphat, 400kg supe lân, 800kg kali). Bón lót 100% lượng phân hữu cơ (hoặc phân vi sinh) + 1/3 lượng phân vô cơ. Bón thúc lần 1 khi mía có 4-5 lá với 1/3 lượng phân vô cơ. Thúc lần 2 khi mía có 9-12 lá với 1/3 lượng phân vô cơ còn lại.
Tưới nước: Lượng nước cần tưới được xác định theo từng giai đoạn như sau: Từ 180-360m3/ha vào giai đoạn mía nẩy mầm; từ 400-600m3/ha khi mía đẻ nhánh và từ 400-800m3/ha khi cây mía đang vươn lóng. Nên tập trung tưới nước vào 2 giai đoạn mía đẻ nhánh và vươn lóng nhằm làm tăng năng suất và chất lượng mía cây khi thu hoạch.
Chăm sóc: Làm cỏ, vun xới 2 lần cùng với các thời điểm bón thúc. Ngoài ra làm cỏ và xới lại sau các lần tưới và sau các trận mưa to. Loại bỏ hết cây chết, trồng dặm lại bằng cây con khoẻ mạnh để đảm bảo mật độ tối ưu. Nhổ bỏ hết cây bị sâu bệnh, vun gốc cao 20-25cm chống đổ cho mía khi cây có 3-4 lóng. Kiểm tra, phát hiện tình trạng sâu bệnh qua từng giai đoạn sinh trưởng phát triển, đặc biệt là giai đoạn nẩy mầm, đẻ nhánh và chuẩn bị thu hoạch để có biện pháp phòng trị hữu hiệu, kịp thời. Các loại sâu thường gây hại mía nhất gồm có: sâu đục thân, rệp hại lá và bọ hung hại rễ. Các bệnh nguy hiểm gồm có: bệnh gỉ sắt, bệnh bạc, bệnh than lá hại lá; bệnh thối đỏ, bệnh lên men rượu hại thân mía, làm thối ruột.
Thời điểm thu hoạch: Thu hoạch tốt nhất khi cây mía đạt độ chín công nghiệp, có hàm lượng đường đo được ở phần gốc và phần ngọn là gần tương đương và phải đảm bảo các chỉ tiêu: độ Brix >20%, độ Pol >19%, Rs87%, ECS (chữ đường)>11. Nên thu hoạch các ruộng mía cần trồng mới lại trước các ruộng mía lưu gốc. Không thu hoạch mía trong các ngày rét đậm, trời mưa to, đất còn ẩm ướt. Thu mía theo đặc tính giống: giống chín sớm phải thu hoạch trước, giống chín muộn thu sau bằng cách chặt thủ công hoặc thu bằng máy. Thu đến đâu chuyển nhanh về nhà máy trong ngày.