Quy trình sản xuất dưa chuột – An toàn theo hướng VietGAP
Trong vụ xuân, trồng vào thời điểm chính vụ là cho năng suất cao nhất, còn vụ sớm thường gặp rét, vụ muộn thường gặp nắng nóng và mưa lớn nên năng suất giảm nhưng đổi lại thường bán được giá cao hơn.
1. Thời vụ
a) Vụ xuân
+ Vụ sớm: gieo vào cuối tháng 1. Đây là thời gian có nền nhiệt độ thấp, do đó cần phải gieo hạt trong bầu để dễ che đậy. Khi cây có 2 lá mầm đến 1 – 2 lá thật thì chuyển ra trồng ngoài ruộng.
+ Chính vụ: gieo vào đầu tháng 2, đây là mùa vụ thích hợp với cây dưa chuột để cho năng suất cao.
+ Vụ muộn : gieo vào đầu tháng 3 đến đầu tháng 5.
Trong vụ xuân, trồng vào thời điểm chính vụ là cho năng suất cao nhất, còn vụ sớm thường gặp rét, vụ muộn thường gặp nắng nóng và mưa lớn nên năng suất giảm nhưng đổi lại thường bán được giá cao hơn.
b) Vụ thu đông: gieo cuối thang 9 đến đầu tháng 10. Nếu gieo vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 thì phải chọn các giống chịu rét như Yên Mỹ, CV5.
2. Giống: sử dụng nhóm giống F1 thường cho năng suất cao và khả năng chống chịu tốt như Mummy 331, giống 759, giống Mỹ trắng (bắt đầu cho thu hoạch từ 35 – 75 ngày). Các giống Mỹ xanh, Happy 2, Happy 14, Happy 16 cây phát triển mạnh thời gian sinh trưởng dài, năng suất cao hơn.
3. Xử lý hạt: vụ xuân cần xử lý hạt bằng nước ấm để thúc mầm. Ngâm hạt trong nước ấm khoảng 4 – 6 giờ sau đó vớt ra đãi sạch, đưa vào ủ ấm ở nhiệt độ 30 – 320C khi thấy hạt nảy mầm ra rễ thì đem gieo vào vườn ươm.
Vụ thu đông: thời kỳ đầu vụ, thời tiết còn nắng nóng chỉ cần ngâm hạt từ 2 – 3 giờ, sau đó vớt ra gieo ngay, nên lấy bùn để ráo, cắt như bầu ươm ngô rồi gieo hạt. Khi gieo lấy ngón tay ấn nhẹ thành vẹt lõm giữa bầu, tra hạt sau đó phủ hạt bằng hỗn hợp đất bột + phân hữu cơ ủ mục theo tỷ lệ 1:1. Sau gieo cần xử lý bằng thuốc validacin đặc để phòng bệnh cho cây con (10ml + 1-2 lít nước phun cho 1-5m2 vườn ươm).
4. Chuẩn bị đất: cày đất, phơi ải ít nhất 1 tuần, làm tơi đất, lên luống cao 20-25 cm trong vụ đông xuân, 35 cm đối với vụ xuân muộn và vụ thu đông. Mặt luống rộng 0,9 – 1m. Mỗi luống trồng 2 hàng.
5. Mật độ khoảng cách: đối với kỹ thuật trồng dưa chuột an toàn do sử dụng lượng phân đạm thấp nên khoảng cách trồng dày hơn kỹ thuật trồng dưa thâm canh. Cây cách cây 40-50 cm (đối với giống cao cây, phân cành nhiều), khoảng cách 30-40 cm (đối với các giống địa phương, hàng cách hàng 60-70cm)
6. Lượng phân bón
– Bón lót trước khi trồng 3-7 ngày (300kg phân hữu cơ hoại mục, 15 kg lân super + 2 kg kali trộn đều bón hốc hoặc bón rãnh). Bón lót khi gieo hạt 30-40 kg bằng phân hữu cơ vi sinh, bón theo hốc; bón thúc từ khi cây có 1-5 lá thật: 1,5 kg urê + 1,5 kg kali chia làm 3 lần tưới hốc, 3-4 ngày tưới 1 lần; bón thúc khi cây bắt đầu có quả non: 1kg kali + 2kg NPK; bón thúc khi cây ra quả rộ: 1kg kali + 2 kg NPK.
– Trong quá trình chăm sóc cần sử dụng thêm các loại phân bón hữu cơ qua lá bằng cách phun khi cây có 3 -4 lá thật, sau đó 10 và 20 ngày phun lần 2 và lần 3, liều lượng theo hướng dẫn trên nhãn mác.
7. Làm giàn: khi cây có tua cuốn cần làm giàn kịp thời. Giàn cắm theo hình chữ A.
8. Chăm sóc:
Sau khi gieo nếu thiếu ẩm cần tưới nước bằng phương pháp tưới rãnh. Tùy theo lý tính của đất để tưới, đất thịt tưới ngập ½ rãnh. Đất thịt nhẹ tưới 1/3 rãnh. Đất thịt pha cát chỉ để đủ ẩm. Thời kỳ cây có 4-5 lá đến khi cây có quả rộ cần giữ ẩm thường xuyên bằng phương pháp tưới rãnh. Nên trồng theo phương pháp dùng màng phủ nilon sẽ giữ ẩm tốt hơn, tiết kiệm phân bón và hạn chế cỏ dại.
9. Phòng trừ sâu bệnh
Kết hợp biện pháp phòng trừ tổng hợp, bón phân cân đối, phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Đối với sâu hại chỉ sử dụng các loại thuốc nông dược, sinh học.
Khi cây bị bệnh chỉ dùng các loại thuốc trong danh mục cho phép, phun chủ yếu vào thời kỳ trước khi có quả. Thực hiện đúng thời gian cách ly.