Quy trình kỹ thuật trồng khoai tây an toàn
1. Quy trình kỹ thuật trồng khoai tây an toàn
2. Tên tác giả: NguyễnThuý Hà, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
3. Xuất sứ: Kết quả nghiên cứu tại các địa bàn nghiên cứu: Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên
4. Quy trình
4.1. Thời vụ :
Đông xuân sớm: trồng tháng 9
Đông xuân chính: trồng từ tháng 10 đến tháng 11
Đông xuân muộn: trồng tháng 12
Vụ xuân hè: trồng từ tháng 2 đến tháng 3
4.2. Chuẩn bị giống và phương pháp trồng
– Xử lý phá ngủ củ giống:
+ Phun Etylen clohydrin lên bề mặt củ ở nồng độ 0,6-1,2%, đậy kín, ủ trong 20-24 giờ, sau 10-15 ngày khoai mọc mầm.
– Phương pháp trồng:
Chọn củ giống trung bình 25-30g ( nếu củ lớn trên 60g cắt thành nhiều mảnh theo chiều dọc củ), củ không bị sâu bệnh hại. Mỗi củ ít nhất có 1-2 mầm, chiều dài mầm từ 1-2 cm.
Một sào chuẩn bị 30-50 kg. Đặt củ giống vào giữa hốc, không đặt trực tiếp lên phân bón, hướng mầm lên phía trên.
4.3. Làm đất:
– Làm đất kỹ, lên luống rộng 1-1,2 m, rãnh luống 25-30cm, cao 30-35 cm. Mỗi luống trồng 2 hàng.
– Mật độ trồng: 45.000-60.000 khóm/ ha (khoảng cách: 35cm x 55 cm )
4.4 Bón phân:
Chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục, tuyệt đối không dùng phân tươi. Lượng phân cho 1 ha là 15-20 tấn chuồng + 120-150 kg đạm + 60- 90 kg phân lân + 100-120 kg ka li .
Bón lót vào hốc toàn bộ phân chuồng, phân lân và 1/3 phân kali, 1/4 phân đạm
Bón thúc toàn bộ phân đạm và phân ka li còn lại vào hai thời kỳ:
Lần 1: sau trồng 20-25 ngày bón 1/2 lượng đạm và 1/2 lượng phân ka li còn lại.
Lần 2: sau lần 1 khoảng 15 ngày, kết hợp vun cao luống, bón nốt lượng phân đạm và kali.
4.5. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại:
– Xới vun: Sau trồng 15-20 ngày thì xới vun lần 1, lúc này cần xới rộng, sâu và vun nhẹ vào gốc. Vun xới lần 2 sau trồng 30-35 ngày.
– Tưới nước
Tuyệt đối không được dùng nguồn nước thải, nước ao tù chưa được xử lý để tưới. Có thể dùng nước giếng khoan đã được xử lý, nước sông ao hồ không bị ô nhiễm.
Trong thời gian sinh trưởng, trung bình 10 ngày tưới rãnh một lần, tuỳ theo tình hình thời tiết khí hậu. Đối với những thời kỳ quan trọng cần cung cấp đủ nước (sau trồng 25-30; 40; 50 và 60 ngày. Sau trồng 70 ngày ngừng tưới nước.
– Tỉa nhánh: Số thân trung bình mỗi nhóm để từ 4-5 thân nếu sản xuất củ giống thì có thể nhiều hơn. Thời gian tỉa tốt nhất là sau trồng 15-20 ngày.
Phòng trừ sâu bệnh hại: Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp một cách triệt để.
Các loại sâu thường gặp: Rệp sáp, sâu xám, sâu xanh.
+ Sâu xám: xử lý đất trước khi trồng, bắt bằng tay hoặc có thể dùng thuốc Malathion 50% pha với nồng độ 0,1% phun vàolúc 4-6 h buổi chiều.
+ Rệp sáp: xử lý củ giống trước khi bảo quản. Tiêu độc giàn bằng cách phơi nắng, ngâm nước và phun thuốc.
+ Sâu xanh: khi cây lớn mật độ sâu vượt quá ngưỡng cho phép sử dụng các loại các loại thuốc Sherpa 20 EC, trebonl 10 EC. Kết thúc phun thuốc hoá học trước thu hoạch 15-20 ngày.
Các loại bệnh hại thường gặp: bệnh mốc sương, bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh thối nhũn.
Cần trồng luân canh đối với cây khác họ, trồng các loại giống kháng bệnh, tránh để ruộng quá ẩm, úng kéo dài, thường xuyên làm cỏ, thu gom các lá già…. làm cho ruộng sạch thông thoáng. Khi bệnh phát triển thành dịch có thể dùng thuốc:
+ Bệnh mốc sương dùng Zineb 80 WP, Booc đô 1%
+ Bệnh héo xanh vi khuẩn: Thực hiện tốt chế độ luân canh cây trồng.
– Cách dùng thuốc: Nồng độ thuốc và lượng dùng phải theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì của mỗi loại thuốc.
4.6. Thu hoạch và bảo quản:
– Thu hoạch: Trước thu hoạch ngừng tưới nước 3-4 tuần. Khi thu hoạch cày xả hai bên má luống, sau đó nhổ cả khóm. Thao tác nhẹ nhàng tránh xây xát củ.
– Bảo quản: Bảo quản trong kho để nơi thoáng mát, nguyên liệu làm kho bằng tre, nứa, lá là rất tốt.
5. Địa bàn đã triển khai: Huyện Đồng Hỷ . Thành Phố Thái Nguyên
6. Số hộ nông dân đã triển khai: 50 hộ
7. Địa bàn có thể áp dụng: Các tỉnh miền Bắc Việt Nam