Qua kiểm tra nguồn gốc tôm thẻ chân trắng (TTCT) bố mẹ tại một số cơ sở sản xuất tôm ở các nước đó, ông thấy tình hình sản xuất TTCT bố mẹ hiện nay thế nào?
Tại Thái Lan có 2 cơ quan cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Đó là Viện Nghiên cứu sức khỏe động vật thủy sản (SKĐVTS) tại Bangkok và Viện Nghiên cứu SKĐVTS tại Phuket. Hai viện này có chung mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch. Họ cũng kiểm tra bệnh theo yêu cầu của phía Việt Nam. Theo quy trình kiểm dịch TTCT của Thái Lan, trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp thông báo cho một trong hai viện kể trên để tiến hành thu mẫu kiểm tra bệnh. Các mẫu và hồ sơ được lưu trữ tại đây. Giấy chứng nhận kiểm dịch đã cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu TTCT bố mẹ sang Việt Nam đúng với hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tổng cục cũng triển khai đoàn công tác đến một số cơ sở ở Singapore và Indonesia. Công ty Shrimp Improvement Systems Pte Ltd (SIS) là cơ sở ương nuôi PL10 thành tôm bố mẹ, được thiết kế, xây dựng dựa trên các tiêu chí đảm bảo an toàn sinh học; trang thiết bị, nhân lực phục vụ sản xuất đảm bảo an toàn sinh học. Công ty Global Gen (Bitit Unggul) ở Indonesia đã cung cấp TTCT bố mẹ cho nhiều nước, trong đó Việt Nam năm 2011 là 10.000 con; năm 2012 khoảng 12.000 con. Công ty Prima Aquatic, Công ty PT trước đây cung cấp TTCT bố mẹ cho nội địa sản xuất, năm 2011 bắt đầu cung cấp ra thế giới, trong đó có Việt Nam (hơn 1.000 con)
Chất lượng tôm giống bố mẹ thế nào? Vấn đề kiểm dịch, kiểm nghiệm ra sao, thưa ông?
Trong 3 công ty (CP, SyAqua, Winaiphonoi) sản xuất TTCT bố mẹ tại Thái Lan, 2 công ty (CP và SyAqua) có quy trình nghiên cứu chọn tạo, lưu giữ các gia đình và sản xuất TTCT bố mẹ đảm bảo chất lượng; Công ty Winaiphonoi không thực hiện quy trình chọn tạo tôm bố mẹ, chủ yếu lấy từ ao nuôi tôm thương phẩm, ương 1 – 2 tuần xuất bán.
Về quản lý giống thủy sản tại Thái Lan: Cơ quan quản lý chỉ cấp Giấy kiểm dịch theo quy định chung của IOE, còn chất lượng tôm bố mẹ thì doanh nghiệp tự chủ động công nghệ. Vì thế Công ty Winaiphonoi hồ sơ kiểm dịch vẫn đạt yêu cầu khi xuất khẩu vào Việt Nam. Tại 3 Công ty ở Singapore và Indonesia, đều đạt yêu cầu điều kiện sản xuất, an toàn sinh học, sạch bệnh, có chương trình chọn giống bài bản, có chuyên gia về chọn lọc di truyền tham gia; đáp ứng được điều kiện xuất khẩu tôm bố mẹ sang Việt Nam.
Theo ông, để ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững, giải pháp về chính sách, quy hoạch, định hướng chiến lược cho chất lượng tôm giống thế nào?
Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu và giao nhiệm vụ cho các đơn vị tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hạn chế thấp nhất giống tôm kém chất lượng, tôm giống mang mầm bệnh đưa vào vùng nuôi. Đồng thời, trang bị phương tiện xét nghiệm để các cơ sở, đại lý giống và người nuôi an tâm hơn trong khâu kiểm định, cũng như công tác xét nghiệm xác định bệnh phẩm trên tôm nuôi. Thị trường tôm giống rất phức tạp, người nuôi tôm phải hết sức thận trọng trong việc chọn tôm giống sạch bệnh.
Cùng đó, vấn đề kiểm dịch, kiểm nghiệm chất lượng tôm giống bố mẹ cũng luôn được chú trọng hàng đầu, như trong chương V Thông tư 26 của Bộ NN&PTNT về quản lý giống thủy sản đã nêu rõ các chỉ tiêu kiểm tra đối với giống thủy sản bố mẹ: Kiểm tra kích cỡ, số lượng, tuổi, độ thuần chủng, kích cỡ sinh sản, độ thành thục, tỷ lệ đực cái, trạng thái hoạt động, cấu tạo hình thái, chỉ tiêu khác về chất lượng giống thủy sản so với các quy định hiện hành của Việt Nam; Các chỉ tiêu kiểm tra đối với con giống thủy sản để nuôi thương phẩm: Kiểm tra kích cỡ, số lượng, tuổi, độ thuần chủng, trạng thái hoạt động, cấu tạo hình thái, chỉ tiêu khác về chất lượng của giống thủy sản so với quy định hiện hành của Việt Nam.
Đối với kiểm tra cơ sở sản xuất giống thủy sản tại nước xuất khẩu, căn cứ theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận, hợp tác về giống thủy sản với cơ quan quản lý thủy sản của các nước xuất khẩu, Bộ quyết định việc thành lập đoàn, kế hoạch và nội dung kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất giống thủy sản tại nước xuất khẩu vào Việt Nam, với các nội dung: Điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh thú y; Công nghệ chọn tạo và sản xuất giống; Hồ sơ quá trình sản xuất giống…
Để hạn chế doanh nghiệp xuất khẩu TTCT bố mẹ không đảm bảo chất lượng vào Việt Nam, cần thông báo cho cơ quan đại diện tại các nước kể trên về kết quả kiểm tra và yêu cầu có chính sách quản lý doanh nghiệp sản xuất tôm giống không đảm bảo chất lượng; thông báo cho các trại sản xuất tôm giống phải khử trùng thức ăn tươi sống nuôi tôm bố mẹ để ngăn chặn Vibrio; thông báo cho cơ quan quản lý nước bạn về kết quả kiểm tra và đề nghị phía bạn phối hợp chặt chẽ thông qua đường dây nóng.
Tổng cục sẽ tiếp tục tổ chức, thành lập đoàn kiểm tra tại Hawaii, Miami, Viện Hải dương học (OI), trung tâm nghiên cứu chọn tạo TTCT bố mẹ trên thế giới và là nguồn gốc sản xuất TTCT bố mẹ xuất khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục Thủy sản sớm làm việc với các sở NN&PTNT Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa về việc tư vấn chọn địa điểm khi các nước có nhu cầu để khuyến khích đầu tư trại ương giống đảm bảo sạch bệnh phục vụ sản xuất tại Việt Nam.
Về lâu dài, khuyến khích sản xuất tôm bố mẹ trong nước, đồng thời kiểm soát tốt nguồn tôm bố mẹ nhập vào Việt Nam. Các cơ quan quản lý cần chỉ đạo kiểm soát lưu thông giống, tiếp tục đẩy mạnh thanh tra kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm việc tiêm chích tạp chất; đồng thời kiểm soát tốt giống nhập.
Tags: quan ly tom giong, nuoi tom giong, nuoi trong thuy san