Quản Lý Bùn Đáy Ao Tôm
Bùn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm trong ao và là nơi phát sinh mầm bệnh. Vì vậy, quản lý tốt bùn đáy sẽ phòng tránh được những rủi ro và nâng cao năng suất tôm nuôi.
Chuẩn bị vụ nuôi mới
Sau mỗi vụ nuôi, đặc biệt là nuôi thâm canh và bán thâm canh thì lượng bùn (thức ăn thừa, sự tàn lụi của tảo, phù sa tích tụ đáy tồn đọng lại trong đáy ao) là rất lớn. Đây là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho vụ nuôi mới, vì vậy cần phải thực hiện những bước sau:
– Loại bỏ hết bùn ra khỏi ao nuôi (có thể đưa bùn ra khỏi ao bằng máy múc hoặc dùng bơm với bùn loãng).
– Làm sạch đáy ao bằng máy bơm nước áp lực cao (vòi rồng), phương pháp này vừa giúp làm sạch lớp bùn, chất hữu cơ bám trên bề mặt, đồng thời có tác dụng cày xới đáy ao, tạo điều kiện cho việc ôxy hóa và giải phóng các khí độc tích tụ dưới đáy ao dễ dàng hơn.
Lưu ý: Đối với những ao nuôi đáy có phèn thì sau khi dọn sạch bùn đáy cần ngâm nước rửa phèn sau đó tháo cạn, (không phơi ao quá lâu). Nên phơi ao từ 5-7 ngày là tốt nhất. Nếu vụ trước xảy ra dịch bệnh cần dùng một số hóa chất như Clorine, thuốc tím, VICATO (10-15g/m3) để khử trùng, tiêu độc đáy ao.
Quản lý trong vụ nuôi
Chất thải của tôm và thức ăn thừa chứa nhiều chất hữu cơ như cacbon, nitơ, phốt pho, đây là các chất chính gây hiện tượng phì dưỡng trong ao, kích thích sự phát triển của tảo trong đó có nhiều loại tảo có hại. Khi các chất hữu cơ phân hủy sẽ tiêu hao nhiều ôxy và sản sinh ra nhiều khí độc như H2S, NH3 gây ngộ độc và stress cho tôm, là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng sớm. Từ tháng thứ 2 trở đi, lượng bùn đáy chất thải trong ao bắt đầu tăng nhanh do lượng thức ăn tăng. Giai đoạn này quản lý chất thải bùn đáy chính là quản lý tốt thức ăn và chất lượng nước.
Hầu hết những loài tôm nuôi hiện nay đều có tập tính sống đáy, vì vậy khi lượng bùn đáy trong ao nhiều tôm dễ mắc các bệnh về mang như vàng mang, đen mang, hoại tử mang… là nguyên nhân làm hao hụt đàn tôm trong ao, đặc biệt tôm ở giai đoạn nhỏ. Do vậy, tăng cường cung cấp ôxy thông qua hệ thống quạt nước và sục khí đáy cũng góp phần làm giảm bớt tác hại của bùn đáy.
Những biện pháp quản lý chung đối với bùn đáy
Ngay từ khi xây dựng ao cần bố trí vị trí gom bùn trong ao như tạo vùng lõm giữa ao để tiện xiphông, độ dốc nghiêng về phía cống thoát; Có chế độ cho ăn hợp lý, tránh cho ăn dư thừa thức ăn; Kiểm soát tốt các yếu tố thủy lý thủy hóa trong ao, tránh để tảo tàn lụi.
Trong quá trình nuôi, cần sử dụng men vi sinh, các chế phẩm sinh học (như BiO CURB dry, BZT®DIGESTER…), các vi khuẩn có lợi giúp phân hủy bùn đáy, kích thích hệ vi sinh có lợi phát triển, hạn chế được sự phát triển của mầm bệnh.
Bố trí hệ thống cung cấp oxy, đặc biệt oxy tầng đáy hợp lý để vừa cung cấp ôxy cho ao vừa có tác dụng gom bùn đáy.
Một nghiên cứu được thực hiện trong ao nuôi tôm bán thâm canh ở New Caledonia cho thấy, việc hút bùn đáy làm tăng sản lượng tôm từ 1-6,2 tấn/ha/năm và tăng tỷ lệ sống từ 10- 60%. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có gói sản phẩm AquaStar® Pond và AquaStar® PondZyme của Biomin là những sản phẩm cứu trị sinh học điều chỉnh hệ vi sinh vật trong môi trường ao nuôi để giảm lượng vi khuẩn gây bệnh, gia tăng sự khoáng hóa các vật chất hữu cơ và giảm những chất thải không mong muốn như: H2S, NH3, NO2. Những gói sản phẩm này rất thích hợp cho nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh |