Phòng và trị các bệnh thường gặp ở cá kèo
Một số bệnh thường gặp
+ Bệnh ký sinh trùng: cá bị bệnh có những biểu hiện bên ngoài như da cá trở nên sậm màu, cá uốn mình liên tục, bơi lội không định hướng. Cá yếu dần và có khi 24 giờ sau cá mới chết. Mang cá có nhiều hạt nhỏ lấm tấm, màu đen, mang nhợt nhạt. Đó là các loài ký sinh: trùng bánh xe (Trichodina sp.) và trùng quả dưa (Ichthyophthyrius sp.) bám trên mang và vây cá, loài nấm Fusarium sp. ký sinh trên da và mang cá.
+ Bệnh nhiễm khuẩn: các loài vi khuẩn gây bệnh là Aeromonas sp, Pseudomonas sp, Mycobacterium và Vibrio sp. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là cá hay nằm tách riêng một chỗ ở các góc bể, vài ngày sau mắt sưng to, bụng phình to, cơ 2 bên thân bị phù, nhất là ở gần cuống đuôi. Một số cá bị bệnh nặng, có thể hoại tử ra cả bên ngoài như ở bụng, gốc vi ngực, vi bụng, đầu… Khi mổ chỗ cơ bị sưng, có nhiều dịch chảy ra, màu hơi đỏ, mùi rất tanh. Khi giải phẫu nội quan, hầu hết bong bóng, thận, mật phình to, ruột hoàn toàn không có thức ăn.
Hình 8. Cá bị bệnh nhiễm trùng huyết Aeromonas sp..,mật và lách bị sưng
Hình 9. Cá bị bệnh nhiễm khuẩn Pseudomonas sp., bong bóng và gan bị sưng to, nhạt màu
Hình 10. Một số dạng xuất huyết trên thân cá kèo nuôi thương phẩm (A, B, C)
Một số mẫu cá bị nhiễm khuẩn Mycobacterium spp. Ban đầu da cá nhạt dần, bơi chậm chạp, bỏ ăn. Sau đó một vài chỗ da trên thân bị lỏ loét, có màu xám trắng, vây và đuôi bị hoại tử và rách. Một số khối u xuất hiện trong mô cơ, nội tăng bị sưng, nhất là bong bóng. Gan và thận bị teo nhỏ lại.
Hình 11. Cá bị bệnh nhiễm khuẩn Mycobacterium spp, gan và thận bị teo
Một số biểu hiện bệnh do thiếu dinh dưỡng hay thiếu các yếu tố vi lượng: bệnh này xảy ra khi thức ăn thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết. Cá bị bệnh cơ thể gầy, bơi lội chậm. Ngoài ra có thể do nấm mốc Aspergilus sp. gây ra, cá bị chướng bụng do thức ăn không tiêu hóa.
Hình 12. Cá giống chết vì bị chướng bụng
Hình 13. Trùng loa kèn kí sinh trên da cá
Hình 14. Trùng bánh xe kí sinh trên mang cá
Hình 15. Bào tử nấm mốc Aspergilus sp
Cá kèo bị bệnh là do các nguyên nhân sau:
– Do mật độ nuôi quá cao.
– Thức ăn quá dư thừa làm cho ao bị ô nhiễm, là điều kiện cho các loài vi khuẩn gây bệnh phát triển.
– Thức ăn cho cá chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, có thể bị thiếu một số thành phần như khoáng, vi lượng, vitamin, hoặc thức ăn bị nhiễm nấm mốc. Vì vậy cá bị giảm sức đề kháng, dẫn đến cơ thể gầy yếu, dễ bị nhiễm bệnh.
Do môi trường nước nuôi ít được thay đổi, nước ao nuôi quá nóng, đáy ao dư tồn đọng quá nhiều chất thải từ thức ăn và phân của cá
Một số biện pháp phòng và trị bệnh
– Thay nước ao thường xuyên để giữ cho môi trường nước ao sạch, không tồn lưu thức ăn dư thừa phân hủy sinh ra khí độc
– Bổ sung khoáng chất và vitamin vào thức ăn: bổ sung thêm các chất khoáng cần thiết. Vitamin cũng được trộn vào thức ăn cho cá, hòa tan vitamin A, C, D, E dạng bột mịn (liều dùng: 10 mg/kg thức ăn).
– Điều chỉnh mật độ nuôi: Mật độ nuôi không cao quá 50 con/m2
– Sử dụng kháng sinh trị bệnh: Khi cá bị nhiễm khuẩn huyết, dùng kháng sinh Oxytetracylin hoặc Kanamycin liều lượng dùng 50 – 70 mg thuốc/kg cá, trong 5 ngày liên tục.
Thu hoạch cá nuôi
Sau 5 – 6 tháng nuôi, cá kèo có thể đạt trọng lượng trung bình 20 – 30 gam/con (30 – 50 con/kg), người nuôi có thể tùy theo giá cả thị trường để thu hoạch cá bống kèo khi có lợi nhất. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, việc thu hoạch cá kèo có nhiều cách, có thể dùng lưới kéo, nhưng cách này không thể thu hoạch hết cá trong ao. Ngư dân lợi dụng tính thích bơi ngược nước của cá bống kèo và dùng một loại dụng cụ là “xà lu” để bắt cá chạy ngược nước thì có hiệu quả hơn, thu cá triệt để hơn. Trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày, cần giữ cho môi trường ao nuôi thật ổn định, trước khi triều cường thì tháo hoặc tát bớt nước ao, khi bắt đầu triều cường thì đưa nước vào ao. Sự chênh lệch mực nước sẽ kích thích cá bống kèo bơi ngược dòng nước chui vào trong xà lú. Sau mỗi đợt thu hoạch thì lại tát cạn ao hơn và tiếp tục cho nước thủy triều vào ao để bắt cá ngược dòng chạy vào xà lú cho đến khi ao cạn hoàn toàn và thu hết cá.
Ngoài ra để thu hoạch những cá còn “ngoan cố” không chịu ngược nước, ngư dân dùng dây thuốc cá với liều lượng thấp rải xuống ao nhằm làm cho cá phải ngoi lên mặt nước và ngư dân dùng lưới để kéo cá, nhưng cách bắt này làm cho cá dễ chết, bán không được giá, thường chỉ để phơi làm khô cá kèo.
Hiện nay do cá giống thu từ tự nhiên nên lẫn với rất nhiều loài cá khác, có khi tỷ lệ lẫn giống tới 30%. Do đó tỷ lệ sống của cá thương phẩm nuôi bằng con giống tự nhiên rất ít khi ổn định. Theo kết quả khảo sát từ những hộ nuôi cá bống kèo tại vùng Vĩnh Châu (Bạc Liêu), Long Phú (Sóc Trăng) và Bến Tre, cho thấy tỷ lệ sống cá nuôi dao động trung bình từ 15 – 50%.
Hình 16. “Xà lú ” để bắt cá kèo
Năng suất nuôi trung bình ở các địa phương hiện nay đạt từ 1-20 tấn/hecta. Lợi nhuận mang lại từ nuôi cá bống kèo từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng cho một hecta nuôi.
Hình 17. Cá kèo thương phẩm