Phòng và trị bệnh đen mang ở tôm hùm nuôi lồng
Bệnh đen mang tuy mới gặp trên tôm hùm Bông (hùm Sao, hùm Hèo), tôm hùm Đá (tôm Ghì, tôm Kẹt) và tôm hùm Đỏ (hùm Lửa) nhưng các loại tôm hùm nuôi khác cũng có thể mắc bệnh này. Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn tôm trưởng thành và gây chết rải rác tôm hùm nuôi lồng, tuy nhiên tính chất gây hại không phải chỉ thể hiện ở tỷ lệ gây chết mà còn ở sự suy giảm chất lượng tôm thương phẩm khi thu hoạch, tổn hại về kinh tế đối với người nuôi.
Ảnh minh họa
Nấm Fusarium sp. là một trong những tác nhân gây bệnh đen mang ở tôm hùm nuôi lồng, đây là nấm dạng sợi phân nhánh, bào tử không màu sắc (gọi là bào tử đính) gồm bào tử đính nhỏ và bào tử đính lớn, cuống bào tử thường kết cụm và sinh sản bào tử. Khi mắc bệnh, tôm bệnh thường ít hoạt động vì thế có nhiều ký sinh trùng bám trên vỏ làm tôm chậm lớn, màu sắc cơ thể thay đổi. Mang tôm có màu nâu ở những vùng tổn thương, các mô bị phá hủy, vị trí tổn thương chuyển thành màu đen và lan rộng khắp cả mang, toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Dưới kính hiển vi phóng đại 400 lần có thể nhìn thấy các các bào tử đính của nấm Fusarium rất đặc thù có hình thuyền hoặc hình quả chuối trong biểu bì mang hay tại các vết thương tổn trên mang.
Để phòng bệnh đen mang ở tôm hùm nuôi lồng, người nuôi cần tăng lưu lượng dòng chảy qua lồng nuôi bằng cách vệ sinh lồng nuôi thường xuyên, chuyển lồng nuôi đến địa điểm nuôi mới để tránh sự ô nhiễm cục bộ. Bên cạnh đó, người nuôi cần chọn địa điểm nuôi thích hợp, không đặt lồng sát đáy, vớt thức ăn dư thừa, sát trùng thức ăn (bằng thuốc tím)…
Nếu tôm đã nhiễm bệnh, người nuôi sử dụng Formaline 100-200ppm tắm cho tôm trong thời gian 10-15 phút mỗi ngày (dùng trong 2-4 ngày) để điều trị bệnh. Bên cạnh đó, tách riêng những con tôm có dấu hiệu bệnh (cho vào các thùng chứa để điều trị) nhằm giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh cho cả đàn tôm và sẽ đơn giản hơn trong quá trình trị bệnh. Thao tác bắt tôm lên điều trị bệnh phải nhẹ nhàng, tránh sây sát tôm. Trước khi tắm tôm phải chuẩn bị tất cả các khâu cần thiết, tránh trường hợp đưa tôm lên khỏi lồng mà chưa tiến hành điều trị ngay.
Người nuôi cần lưu ý, ngoài dấu hiệu đen mang do nấm gây ra nêu trên, ở tôm hùm nuôi lồng còn gặp dấu hiệu đen mang khác, như mang tôm chuyển từ màu trắng ngà sang màu nâu hoặc đen. Tôm hùm thường thể hiện hô hấp khó khăn, ngoi lên mặt lồng, bè nuôi. Đây là hội chứng đen mang không do các tác nhân sống gây ra, mà do các chất thải hữu cơ bám vào mang và gây hiện tượng đen mang. Ở những vùng nuôi tôm hùm bằng lồng găm hay lồng chìm tập trung như Sông Cầu (Phú Yên), Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xảy ra hội chứng này. Để phòng tránh hiện tượng này, người nuôi cần chọn kiểu lồng nổi và thường xuyên vệ sinh lồng, đồng thời không nên tập trung quá nhiều lồng trên một vùng diện tích nhỏ. Người nuôi cũng có thể di chuyển lồng đến nơi có chất lượng môi trường nước tốt hay che chắn lồng theo hướng dòng nước chảy khi các lồng, bè nuôi khác kề cạnh làm vệ sinh.