Phòng trừ bọ xít đen hại lúa vụ hè thu
Mặc dù không phải là loại dịch hại mới, song nông dân lại xem bọ xít đen như một côn trùng lạ. Vì đã từ lâu chúng rất ít xuất hiện trên ruộng lúa, chỉ một vài vụ gần đây, bọ xít đen đã phát triển gây hại cục bộ ở một số vùng lúa với mật số rất cao, làm thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất lúa, thậm chí một số nơi lúa bị cháy do nông dân không nhận biết được đối tượng gây hại để phòng trừ kịp thời.
Có nhiều loài bọ xít đen, nhưng tất cả đều thuộc loại Scotinophora. Tuy mỗi loài hình dáng có khác nhau chút ít nhưng chúng được xem là một nhóm, gọi chung là bọ xít đen. Bọ xít đen phổ biến trên ruộng lúa là Scotinophora lurida thuộc họ Pentatomidae,bộ Hemiptera. Trưởng thành hình bầu dục, dài khoảng 8-9mm (khoảng lớn hơn đầu mút đũa), có màu đen và khi bị quấy động thì tiết mùi hôi.
Bọ xít đen đẻ trứng thành từng ổ, trứng tương đối lớn, xếp thành hàng song song nên rất dễ phát hiện. Ổ trứng thường được đẻ ở những lá dưới, trưởng thành cái của bọ xít đen thường nằm suốt trên ổ trứng để bảo vệ chúng. Ấu trùng bọ xít đen có màu nâu và vàng với những đốm đen. Ấu trùng không có cánh, thân hình tròn chỉnh. Nhiệt độ thích hợp nhất cho bọ xít đen phát triển là 25-280C.
Trưởng thành bọ xít đen có xu tính ánh sáng. Vào tuần trăng tròn, hàng ngàn bọ xít đen trưởng thành bay trên ruộng và bị thu hút bởi ánh sáng mạnh. Ban ngày ẩn nấp dưới những khóm lúa, buổi chiều tối hoặc râm mát bò lên phá hại. Cả trưởng thành và bọ xít non đều chích hút cây lúa. Vùng xung quanh vết chích ngã màu nâu với rìa màu nâu đậm.
Bọ xít đen thường phá hại giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng trổ. Cây lúa bị chích hút khi còn nhỏ sẽ đẻ nhánh kém, bụi lúa còi cọc. Nếu bị nặng cây lúa sẽ khô vàng, kém phát triển và có thể làm lúa bị lép hoàn toàn (tương tự như ảnh hưởng của rầy đến cây lúa). Bọ xít đen thường ẩn trong bẹ lúa nên phải vạch ra mới thấy. Chúng còn ăn trên những cây khác và di trú hàng đàn đến ruộng lúa.
Thường giữa hai vụ lúa, bọ xít đen trú trong các đám cỏ dại hoặc hoa màu khác. Phạm vi ký chủ và khả năng gây thành dịch kém hơn bọ xít hôi hại lúa. Vòng đời bọ xít đen rất dài, trưởng thành trong điều kiện bắt buộc có thể sống đến 180 ngày. Thời gian trứng khoảng 4 -7 ngày. Bọ xít non 28 – 30 ngày.
* Phòng trừ : Phòng trừ bọ xít đen dễ hơn bọ xít hôi vì chúng rất chậm chạp. Tuy nhiên nông dân thường phát hiện trễ vì chúng sống núp dưới gốc lúa và giai đọan ấu trùng bọ xít đen đa số nông dân lại không nhận diện được (ấu trùng dễ trừ hơn thành trùng). Hơn nữa đối với bọ xít đen không thể áp dụng biện pháp thả vịt vào ruộng như phòng trừ rầy vì vịt không ăn bọ xít đen.
– Mặc dù có nhiều loài ong ký sinh ổ trứng bọ xít đen nhưng do bọ xít trưởng thành cái luôn nằm trên ổ trứng để bảo vệ nên các loài ong ký sinh khó có thể ký sinh toàn bộ ổ trứng, chỉ ký sinh một phần.
– Vệ sinh đồng ruộng: cần phát sạch cỏ ở bờ mương nước xung quanh và làm sạch cỏ trong ruộng, cày lật gốc rạ, diệt lúa chét.
– Biện pháp thủ công: có thể thu nhặt và đốt bỏ ổ trứng dễ dàng vì chúng rất dễ phát hiện. Đây là biện pháp rất hiệu quả để giảm lượng bọ xít trong vụ và năm sau. Cho nước vào ruộng ngập lút cây lúa rồi vớt bọ xít đen đem đốt.
– Biện pháp hóa học: Bọ xít đen không khó diệt, nhưng nông dân chú ý khi kiểm tra ruộng nên vạch gốc lúa để phát hiện sớm và nên phun ở gốc lúa vì bọ xít đen thường ẩn bên trong gốc. Sử dụng các loai thuốc hạt để rãi như: Vibasu 10 H, Regent 0,3G hoặc thuốc phun như Kinalux 25EC, Padan 95 SP, Marshal 50EC. Nếu rãi thuốc phải duy trì nước trong ruộng 2-3 cm, nếu phun thì nên rút cạn nước để thuốc dễ tiếp xúc với bọ xít vì chúng có thể lặn trong nước khi có mùi thuốc hôi.