Phòng Trừ Bệnh Sương Mai Giả Hại Dưa Hấu
Bệnh sương mai giả do nấm Pseudoperonospora cubensis Roston gây ra. Bệnh có thể gây hại trên tất cả các bộ phận của cây dưa hấu, từ gốc, thân, cành, lá cho đến hoa trái,… gây thiệt hại cho nông dân trồng dưa.
Triệu chứng của bệnh được thể hiện rõ nhất trên lá, ban đầu vết bệnh là những đốm hình đa giác hơi vàng, những vết đốm này được giới hạn bởi các mạng gân lá (có người gọi là bệnh đốm góc), nằm rải rác hoặc nằm dọc các gân lá. Sau đó vết bệnh chuyển dần sang màu nâu nhạt, xám bạc. Nếu thời tiết phù hợp, bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Trường hợp bị hại nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau thành từng mảng làm cho lá bị vàng, khô cháy, lụi tàn và rụng sớm. Gặp mưa hoặc sương mù nhiều tạo ẩm ướt, chỗ bị bệnh có thể bị thối nhũn. Bệnh có thể lây lan sang cả thân, cành và hoa trái.
Nếu thời tiết ẩm ướt, tạo ẩm độ không khí và ẩm độ đất cao, phía dưới chỗ vết bệnh sẽ xuất hiện một lớp nấm mốc màu xám trắng xốp (nhìn như sương muối), đây là giai đoạn sinh sản vô tính của nấm, sinh sản ra rất nhiều bào tử phát tán trong không khí. Vào lúc này, nếu gặp thời tiết lạnh (nhiệt độ khoảng 15-20 độ C), trời âm u ít nắng thì bệnh sẽ phát triển, lây lan và gây hại rất mạnh.
Nấm gây bệnh tồn tại ngay trên tàn dư của cây bị bệnh ở vụ trước trên đồng ruộng, đây là nguồn bệnh rất quan trọng ban đầu để lây truyền cho vụ sau. Để hạn chế tác hại của bệnh, bà con phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ và hợp lý từ đầu vụ. Nếu để đến khi bệnh đã gây hại nặng rồi mới can thiệp thì hiệu quả sẽ rất thấp. Ở những vùng thường bị bệnh gây hại hàng năm, trước khi làm đất, nếu vụ trước ruộng đã trồng dưa hấu hoặc những cây thuộc họ bầu bí, cần dọn sạch tàn dư của cây đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh ban đầu cho ruộng dưa.
Nên cày bừa kỹ, phơi khô đất trước khi trồng để chôn vùi bớt nguồn bệnh từ tàn dư của cây bị bệnh ở vụ trước. Lên luống cao, làm rãnh thoát nước tốt để ruộng luôn khô ráo, thông thoáng. Tăng cường bón phân hữu cơ hoại mục, bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Không bón quá nhiều đạm, nhất là khi cây đã chớm bị bệnh mà thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển. Nên áp dụng phương pháp tưới thấm, hạn chế tưới nước từ rãnh lên tán lá dễ lây lan mầm bệnh. Nếu ruộng đã bị bệnh, cùng với việc dùng thuốc, bà con nên thu gom những bộ phận đã bị bệnh hại nặng đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy, nhằm giảm bớt nguồn bệnh trong ruộng, hạn chế bệnh lây lan.
Cần kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, nhất là từ khi cây ra hoa đậu trái trở đi để sớm phát hiện bệnh và phun thuốc kịp thời. Nếu thấy bệnh chớm xuất hiện mà thời tiết đang có chiều hướng thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển, bà con có thể dùng thuốc Alpine 80WDG, pha 15-20 gram cho một bình 8 lít rồi phun 4-5 bình cho một thửa ruộng khoảng 1.000m2. Phun tiếp lần 2 cách lần 1 khoảng 7-8 ngày, khi phun nhớ điều chỉnh béc phun thật nhuyễn và phun kỹ để thuốc trải đều cả mặt trên và dưới lá dưa.