Phòng ngừa Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm
1. Chuẩn bị ao nuôi
Trước khi lấy nước vào ao nuôi cần sên vét bùn đáy, rửa và ngâm đáy ao 2-3 lần bằng vôi bột (CaO) liều lượng 30 kg/1.000 m2 và rải đều khắp bờ ao liều lượng 20-25 kg/1.000 m2. Sau đó, tiếp tục phơi ao từ 5 đến 7 ngày nhằm kiểm soát chất hữu cơ và các tác nhân gây bệnh. Nước lấy vào ao được diệt trùng trước khi thả tôm bằng hóa chất Chlorine liều lượng 30 ppm (30kg/1.000 m3), không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác.
2. Con giống
Mua tôm giống sạch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch không có tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không mua con giống trôi nổi, tôm con có kích cỡ nhỏ hơn 12mm, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch để thả nuôi.
3. Chăm sóc và quản lý ao nuôi
– Thả tôm nuôi có mật độ thích hợp với điều kiện đầu tư và kinh nghiệm của người nuôi (tôm thẻ chân trắng thả từ 60-80 con/m2; tôm sú thả từ 20-25 con/m2).
– Thức ăn cho tôm phải đảm bảo chất lượng cũng như số lượng, không nên cho ăn thừa, thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị ẩm mốc; thường xuyên bổ sung Vitamin C, khoáng chất, Beta glucan…vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.
– Quản lý tốt các yếu tố môi trường nước như: theo dõi pH (02 lần/ngày, vào lúc 6 giờ sáng và 14 giờ chiều); độ kiềm (định kỳ 7-10 ngày kiểm tra/lần); NH3, ôxy hòa tan, mật độ tảo (định kỳ 3 ngày kiểm tra/lần), đảm bảo duy trì hàm lượng Oxy hoà tan trong các tầng nước trên 3-4 ppm, duy trì độ mặn và nhiệt độ nước trong ngưỡng thích hợp; lưu ý các tháng có nhiệt độ cao cần duy trì mực nước ao nuôi lớn hơn 1,2 m; định kỳ diệt khuẩn trong ao nuôi tôm.
– Cần chọn các sản phẩm chế phẩm vi sinh có uy tín, chất lượng và sử dụng đúng cách trong suốt quá trình nuôi tôm; khuyến khích sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng của tôm, hạn chế thấp nhất việc sử dụng kháng sinh, đặc biệt là các kháng sinh nằm trong danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Hàng ngày thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh cần xử lý sớm và kịp thời.
– Tuân thủ tốt lịch thời vụ, quy định bảo vệ môi trường vùng nuôi, tuyệt đối không xả bùn đáy, mầm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường.
Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPNS) các hộ nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi và vận dụng tốt các nội dung lưu ý trên.
Tags: phong ngua benh hoi tu gan tuy, nuoi tom, nuoi trong thuy san