Phòng bệnh trong nuôi thủy sản
Có thể nói dịch bệnh kềm hãm, làm chùn bước những kế hoạch phát triển thủy sản mang tính chiến lược, làm thay đổi cục diện mô hình, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh tế. Bệnh cá là gì, yếu tố nào cấu thành, tác động để bệnh sảy ra ? Bệnh vật nuôi thủy sản nói chung, bệnh cá nuôi nói riêng, đều được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa 3 yếu tố cấu thành, liên quan mật thiết gồm môi trường, mầm bệnh, và tình trạng sức khỏe cá. Để phân tích sự tương tác, cộng hưởng, gắn bó giữa 3 yếu tố này có rất nhiều vấn đề được liên hệ. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến yếu tố cộng hưởng, liên kết.
Nếu một trong ba yếu tố trên phát sinh đơn độc, bệnh vẫn chưa thể gây nguy hiểm gì cho tôm-cá nuôi trong hồ, ao, ruộng…. Nói cách khác, chỉ khi nào có từ 2 yếu tố trở lên cùng bùng phát, kết hợp với nhau trong ao, khi đó bệnh mới có khả năng gây hại đến cá –tôm nuôi. Người nuôi thủy sản có thói quen, khi phát hiện ra bệnh, mới cầu nhờ, bấu víu vào các loại thuốc. Theo quan điểm tích cực, bà con nên chủ động ngăn ngừa bệnh theo hướng phòng từ xa, hơn là thụ động để bệnh sảy ra, mới dùng thuốc chữa bệnh. Việc dùng thuốc thường xuyên chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lờn thuốc, chai thuốc.
Đến khi dùng lần sau, thường phải tăng liều sử dụng mới cho hiệu quả. Trở lại vấn đề, phân tích các yếu tố cấu thành dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Yếu tố mầm bệnh luôn hiện hữu trong ao nuôi, cá-tôm và các loài vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng, giun sán, cùng tồn tại…Việc phòng, ngăn là không khả thi, giải pháp sống chung hòa thuận là hợp lý nhất. Yếu tố môi trường liên quan đến nhiều vấn đề như thời tiết, khí hậu, thông số môi trường, mùa vụ nuôi, triển khai các bước kỹ thuật, thường không phù hợp với sinh học các loài thủy sản được nuôi.
Riêng tình trạng sức khỏe cá, liên quan đến chất lượng giống, mật độ thả nuôi, điều kiện chăm sóc, quản lý. Như vậy, việc phòng bệnh chủ động thực hiện như thế nào là hợp lý, nên bắt đầu từ khâu nào, yếu tố nào thực hiện đầu tiên ? Thực ra, không có sự ưu tiên, hoặc thứ tự cao thấp trong việc phân loại các yếu tố cấu thành bệnh, cũng như quan niệm yếu tố quan trọng và không quan trọng. Hiệu quả hàng đầu của việc phòng bệnh chủ động, đó là sự kết hợp tích cực giữa 3 yếu tố trên. Ngay từ khi hình thành kế hoạch nuôi thủy sản, người nuôi nên xem xét các vấn đề liên quan đến bệnh thủy sản, một cách toàn diện, chi tiết, logic, có tính liên kết, phối hợp. Một mô hình nuôi thủy sản muốn an toàn, bền vững, ổn định, ít gặp những sự cố về dịch bệnh, trước tiên mô hình đó phải ở trong vùng được qui hoạch nuôi thủy sản.
Đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, hệ thống cống cấp, thoát nước riêng biệt, nhằm đối phó chủ động trước những diễn biến thất thường của môi trường, thời tiết, khí hậu. Vấn đề áp dụng đúng mùa vụ nuôi, hạn chế rất nhiều những tác động xấu, do thời tiết, khí hậu gây ra. Kỹ thuật nuôi phải được tuân thủ nghiêm ngặt, từ khâu chọn lựa địa điểm nuôi, thiết kế ao hồ, đặc biệt là khâu xử lý nước. Người dân thường làm theo ý nghĩ chủ quan, bảo thủ của chính mình. Cần thiết phải trang bị hệ thống ao, hồ nuôi tương ứng, đồng nhất với loại hình mình áp dụng.
Nếu nuôi Bán thâm canh, đặc biệt là nuôi Thâm canh thì bắt buộc phải có ao lắng lọc, ao xử lý thải. Công tác cải tạo, sên vét bùn đáy, đầm nén đáy ao…cần được xử lý triệt để. Nước nuôi cần được xử lý hóa chất, thuốc nằm trong danh mục cho phép xử dụng của Bộ Thủy Sản. Sử dụng đúng thuốc, đúng liều, đúng thời điểm là hợp lý nhất. Thông số môi trường cần chủ động điều chỉnh bằng các loại hóa chất như vôi nông nghiệp, pha nước, Formol…Màu nước phải được gây nuôi hợp lý, trước khi thả cá hoặc tôm xuống ao nuôi. Nguồn giống thả nuôi phải được chọn lựa kỹ càng, xác định rõ nguồn gốc giống, qui trình sinh sản và các biện pháp kỹ thuật áp dụng. Con giống cần được kiễm tra qua phương pháp sốc môi trường, sốc hóa chất, test (kiễm tra) theo phương pháp PCR…trước khi thả nuôi.
Chọn giống đồng cỡ, khỏe mạnh, linh hoạt. Tuyệt đối nói không với những nguồn giống không rõ gốc gác, xuất xứ, chất lượng, qui trình sản xuất. Bà con nên chủ động thả giống đúng mật độ khuyến cáo, phù hợp cho từng loại hình nuôi. Chọn thời điểm sáng sớm, hoặc chiều mát để thả giống. Chọn loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn tuổi, luôn đảm bảo đủ chất, lượng, các thành phần trong thức ăn. Lượng ăn hàng ngày chiếm 3-5% so với trọng lượng thân của cá hoặc tôm nuôi. Nên kiễm soát lượng thức ăn thông qua sàng ăn (vó, máng ăn), chủ động điều chỉnh thức ăn theo nhu cầu sử dụng hàng ngày của vật nuôi. Những ngày thời tiết thay đổi, nên giảm lượng ăn xuống ½ hoặc nhiều hơn.
Trong thức ăn, nên định kỳ dùng Vitamine C, Premix, các loại men tiêu hóa, kháng sinh tổng hợp…trộn vào thức ăn nhằm chủ động tăng sức đề kháng cho vật nuôi thủy sản. Chế độ thay nước duy trì ở mức 30-50% lượng nước được thay theo chu kỳ 5-7 ngày/lần, chủ yếu là thay nguồn nước đáy. Chu kỳ thay nước có thể dài hoặc ngắn hơn, phụ thuộc vào chất lượng môi trường ao nuôi cụ thể. Các biện pháp trên cần được duy trì trong ao nuôi, nhằm nâng cao tác dụng của biện pháp phòng bệnh chủ động, hướng các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chí an toàn, bền vững, có hiệu quả kinh tế cao.
Tags: phong benh trong nuoi thuy san, nuoi tom, nuoi ca, nuoi trong thuy san