Phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát ở miền trung
Biến đất bạc màu thành vùng nuôi tôm bạc tỷ
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu như trước đây tôm sú đóng vai trò chủ lực thì nay con tôm chân trắng đang vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Năm 2013, lần đầu tiên, tôm chân trắng vượt tôm sú cả về sản lượng lẫn giá trị kinh tế. Diện tích nuôi tôm trong năm 2013 đạt 654 nghìn ha; trong đó, tôm sú có 590 nghìn ha, cho sản lượng 268.097 tấn, còn nuôi tôm chân trắng chỉ với 64 nghìn ha đã cho sản lượng đạt gần 273 nghìn tấn. Riêng năm 2014, các tỉnh trong khu vực thả nuôi 1.500 ha, sản lượng thu được hơn 22.000 tấn.
Như vậy, diện tích nuôi tôm sú gấp hơn chín lần diện tích nuôi tôm chân trắng nhưng sản lượng lại ít hơn gần 5.000 tấn. Tại chín tỉnh miền trung, tổng diện tích nuôi tôm chân trắng trên cát là 1.457 ha, sản lượng thu hoạch hơn 24 nghìn tấn. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát lớn như Quảng Trị (450 ha), Quảng Nam (340 ha), Thừa Thiên – Huế (385 ha). Nhiều dự án nuôi tôm trên cát đã được quy hoạch với diện tích từ vài trăm đến vài nghìn ha. Năng suất bình quân của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đạt từ 10 đến 15 tấn/ha/vụ.
Tại diễn đàn khuyến nông về phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hướng an toàn ở vùng cát ven biển các tỉnh miền trung vừa tổ chức mới đây tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, sau hơn 10 năm du nhập vào Việt Nam, tôm thẻ chân trắng hiện đang phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng lớn về sản lượng.
Tại nhiều vùng đất cát bạc màu, đời sống người dân hiện đang “thay da, đổi thịt” khi một số cơ sở đã đầu tư thực hiện nuôi tôm trên cát mang lại lợi nhuận cao. Xa hơn, mô hình này còn đóng góp vào việc tăng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài đóng góp trong việc tăng sản lượng tôm xuất khẩu của cả nước, nghề nuôi tôm trên cát ở các tỉnh ven biển miền trung còn giúp tận dụng tối đa diện tích đất bỏ hoang, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho dân cư ven biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai hết sức thuận lợi để phát triển mô hình nuôi tôm trên cát. Toàn tỉnh hiện có hơn 440 ha diện tích nuôi nước lợ, năng suất trung bình hơn 13 tấn/ha/vụ, sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hơn 5.600 tấn, chiếm 50% sản lượng nuôi nước lợ toàn tỉnh. Về vùng cát Ngũ Ðiền (huyện Phong Ðiền) những ngày này, đến đâu cũng nghe bà con râm ran chuyện các hộ nuôi tôm trúng mùa đậm. Cách đây hai năm, huyện Phong Ðiền chủ trương cấm nuôi tôm đối với những vùng không tuân thủ quy hoạch, không bảo đảm các yếu tố môi trường.
Các địa phương đồng tình ủng hộ, tiến hành rà soát và triển khai quy hoạch, tổ chức lại ao nuôi hợp lý. Huyện đã thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ các hộ, nhóm hộ nuôi tôm trong việc xây dựng ao xử lý nước thải. Bình quân 10 ha thì xây dựng một ha ao, hồ xử lý nước thải với kinh phí khoảng 300 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 30%.
Vụ nuôi vừa qua, phần lớn các hộ đều lãi từ vài trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng. Bà Trần Thị Loan, ở thôn Hải Phú, xã Phong Hải (huyện Phong Ðiền) cho biết: “Gia đình vừa thu hoạch vụ nuôi tôm thứ hai liên tiếp được mùa. Ao nuôi rộng 2.000 m2 thả hơn một triệu tôm giống, thu hoạch được 8,3 tấn tôm, thu gần một tỷ đồng. Bù lại những vụ trước thua lỗ, gia đình lãi gần 700 triệu đồng”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, nghề nuôi tôm trên cát đã và đang là hướng đi vững chắc trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn của tỉnh này. Nhiều vùng đất bạc màu, hoang hóa đã trở thành “đất vàng” cho nghề nuôi tôm, đem lại hàng tỷ đồng cho nông dân. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có 40 ha nuôi tôm trên cát, sáu tháng đầu năm 2014 diện tích nuôi tôm đã được mở rộng lên 69 ha. Năng suất liên tục tăng và đạt từ 12 đến 20 tấn/ha/vụ, doanh thu trung bình 1,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 700 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/vụ.
Hiện, tỉnh Hà Tĩnh đang ưu tiên cho thâm canh công nghệ cao, tập trung đầu tư phát triển các vùng nuôi tôm hàng hóa nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, giảm thiểu dịch bệnh. Ðiển hình như mô hình nuôi tôm trong ao đất vỗ bờ bằng xi-măng và bột đá của HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Minh tại Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). HTX Hải Minh thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6,7 ha, thả nuôi 2,5 triệu con/vụ với mật độ thả 85 con/m2, năng suất đạt 13 tấn/ha/vụ. Qua thực tế nuôi tôm vụ 1 của năm 2014, sau khi thu hoạch sản lượng đạt 38 tấn. Với giá bán dao động từ 115 đến 145 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 800 triệu đồng/ha.
Sớm tháo gỡ những vướng mắc
Vẫn biết nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại thu nhập cao cho nông dân, tuy nhiên, việc phát triển các vùng nuôi không đúng quy hoạch, vẫn còn nhiều bất cập, cho nên đã phát sinh nhiều hệ lụy. Cụ thể, hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm, hầu hết những hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa có ao chứa, lắng; việc xả thải bừa bãi nguồn nước chưa qua xử lý, quy trình nuôi áp dụng chưa đúng kỹ thuật khiến dịch bệnh dễ lây lan, đồng thời gây ô nhiễm môi trường; nhiều diện tích rừng đặc dụng bị phá làm hồ nuôi tôm, nhiều vùng biển đẹp bị ô nhiễm, nguy cơ cạn kiệt và mặn hóa đất và nguồn nước ngầm. Ðã xuất hiện tình trạng người dân chặt phá cây phi lao ven biển, phá vườn, di dời nhà, dùng xe cơ giới để đào múc, san ủi, lót bạt xây dựng các ao nuôi tôm một cách bừa bãi tại các xã ven biển…
Theo Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, công tác quy hoạch nuôi tôm trên cát thiếu đồng bộ, nhiều vùng nuôi tôm hình thành tự phát, các vùng nuôi đều không có ao chứa lắng lọc, ao xử lý bùn thải khi vệ sinh đáy ao gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống bơm cấp, thoát nước chồng chéo nhau. Ðáng chú ý, một số người dân chạy theo lợi nhuận sử dụng thuốc, hóa chất tùy tiện, khi có dịch bệnh xảy ra còn giấu dịch, tự ý xả thải ra môi trường.
Chất thải từ nuôi tôm cũng là vấn đề đáng quan tâm nếu không xử lý sẽ làm ô nhiễm về môi trường nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, bình quân mỗi vụ nuôi một ha tôm thải ra tám tấn chất thải; trong đó, có nhiều hóa chất độc hại. Tại nhiều vùng nuôi, chất thải chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều địa phương có đến 100% số cơ sở nuôi tôm trên cát không có hệ thống ao chứa, xử lý nước và chất thải. Ngoài việc xả nước thải ra sông ngòi, bờ biển, nhiều hộ nuôi còn xả trực tiếp nước thải và bùn thải ngay trên khu vực đất cạnh bờ đầm nuôi, gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước ngầm.
Quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát tập trung
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát, tại các tỉnh miền trung cần có những giải pháp tổng thể về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học-công nghệ. Cụ thể, các địa phương cần quy hoạch cụ thể vùng nuôi tôm trên cát tập trung một cách hợp lý. Phát triển nuôi tôm trên cát tại các vùng hoang hóa, không chặt phá rừng phòng hộ ven biển. Chỉ nuôi tôm trên cát ở những vùng có nguồn nước ngọt bề mặt. Ðối với những vùng phải sử dụng nước ngầm cho nuôi tôm cần đánh giá trữ lượng nước ngầm làm căn cứ cho việc đầu tư, xây dựng vùng nuôi tôm trên cát.
Ðầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát phải bảo đảm kiên cố, phù hợp với vùng cát và quy trình nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, hệ thống xử lý nước thải và chất thải nuôi tôm. Về khoa học-công nghệ, nghiên cứu và đưa vào áp dụng công nghệ cao như nuôi khép kín, ít thay nước để tái sử dụng và hạn chế lượng nước ngầm phải sử dụng. Tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng và phát hiện bệnh sớm nhằm hạn chế thiệt hại.
Theo Trung tâm Khuyến ngư, Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa, một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư, nâng cấp hệ thống kênh cấp và thoát nước; cơ sở hạ tầng đầu mối bảo đảm tiêu chuẩn ngành, quy hoạch, thiết kế các hạng mục ao nuôi phù hợp bảo đảm điều kiện nuôi tôm chân trắng theo quy trình GAP. Về cơ chế chính sách, Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí trong vấn đề kiểm dịch giống, kiểm tra môi trường trong quá trình nuôi, hỗ trợ hóa chất xử lý tôm bị dịch bệnh, đào tạo, chuyển giao công nghệ nuôi, kinh phí xây dựng mô hình, kinh phí hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất giống tôm chân trắng. Ngoài ra, cần hình thành các hợp tác xã, ban (tổ) quản lý vùng nuôi, tăng cường vai trò quản lý cộng đồng, khuyến khích thành lập hiệp hội về nuôi tôm chân trắng để hỗ trợ nhau trong công tác kỹ thuật, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam, Ngô Tấn cho rằng: “Ðiều cần thiết là phải quản lý chặt chẽ đối với các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại các địa phương ven biển. Cần kiên quyết xử lý, giải tỏa các ao nuôi trong khu dân cư, nuôi trái phép ngoài vùng quy hoạch, nuôi không bảo đảm các quy định như không có hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải không qua xử lý ra bên ngoài”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, TS Phan Huy Thông cho biết, Tổng cục Thủy sản sẽ sớm ban hành quy hoạch tổng thể cho nuôi tôm trên cát, trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có quy hoạch chi tiết cho từng xã, từng vùng trong tỉnh; hướng dẫn người dân phát triển nuôi tôm trên cát tại các vùng hoang hóa, không chặt phá rừng phòng hộ ven biển.
Chỉ nuôi tôm trên cát ở những vùng có nguồn nước ngọt bề mặt như nước sông, nước mưa, hồ chứa. Các địa phương tổ chức thực hiện khuyến cáo nhằm giúp người dân và các doanh nghiệp vừa sản xuất đạt hiệu quả, vừa tránh được tình trạng vi phạm về vùng nuôi; tăng cường nuôi tôm theo hướng an toàn VietGAP và tuân thủ theo nguyên tắc “bốn chữ A”, đó là: an toàn về môi trường, an toàn về thực phẩm, an toàn về lao động và an sinh xã hội.
Tags: nghe nuoi tom tren cat, nuoi tom, nuoi trong thuy san, phat trien nghe nuoi tom