Phát hiện bệnh hại mới trên cây thanh long
Hiện nay nhiều vườn thanh long ở Bình Thuận phát hiện bệnh hại mới nguy hiểm trên cây thanh long. Theo nông dân, khi “dính” bệnh này sẽ khiến nhánh thanh long bị thối, chết cành già không thể cứu vãn.
Một trụ thanh long bị bệnh khiến nhiều cành già chết khô
Vậy thực hư bệnh hại này là gì, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu.
Ông Nguyễn Tánh, thôn 5, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long được trồng 7 năm tuổi, với khoảng 1.000 trụ nhưng thời gian gần đây ông tá hỏa vì phát hiện có hiện tượng lạ trên cây thanh long là thối, chết cành già.
Chỉ chúng tôi xem rõ hơn, ông Tánh lấy tay vén từng cành thanh long lên rồi chỉ nhiều đoạn cành đã bị thối vàng và chỉ cần tác động nhẹ vào vị trí đó cũng đã khiến cành bị gãy rớt xuống đất ngay lập tức. Theo ông Tánh, đáng lo ngại là cả vườn thanh long nhà ông đều bị nhiễm bệnh, trong đó 300 trụ bị nhiễm rất nặng. Ngay những trụ thanh long tơ cũng bị thối từ chân trụ, khiến cây còi cọc, kém phát triển, nguy cơ phá bỏ và trồng lại rất cao.
Không chỉ vườn thanh long nhà ông Tánh xuất hiện bệnh “lạ” này, mà các hộ trồng thanh long lân cận như gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, ông Huỳnh Trạng cũng lâm vào cảnh tượng tự. Do lo sợ bệnh lây lan gây hại và thất thu nên thời điểm này mặc dù đang bắt đầu vào mùa chong đèn thanh long, nhưng các hộ đều “án binh bất động” và tìm cách cứu chữa.
Cũng theo ông Tánh, ngay khi phát hiện bệnh mới trên cây thanh long ông đã thông báo cho Chi cục Trồng trọt- BVTV tỉnh xuống kiểm tra. Ông Trần Minh Tân, Chi cục phó cho biết, qua kiểm tra thực tế nhận định đây là bệnh thối, chết cành già trên thanh long.
Nguyên nhân gây bệnh là do nấm và khuẩn. Bệnh xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng chỉ ở mức độ lác đác, gây hại thấp tại 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Tính đến nay theo Chi cục Trồng trọt – BVTV, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh này trên dưới 1.000 ha, với mức độ gây hại khác nhau. Do đó, để quản lý bệnh, Chi cục đã bước đầu đưa ra các giải pháp phòng trừ.
Nông dân đang đau đầu bệnh này làm cành bị chết khô
Theo ông Tân, bệnh này dễ nhận thấy là khi cành già có thể chết ở đầu cành, giữa cành hoặc bị ngay từ đầu trụ, sau đó lây lan toàn cành bị thối vàng rồi chết. Nếu 1 trụ thanh long có 7-10 cành bị hiện tượng này sẽ dẫn đến chết thân chính (4 dây chết 1 dây, thậm chí chết cả trụ), buộc phải trồng lại.
Bệnh này sẽ khiến năng suất, sản lượng, chất lượng thanh long giảm do dinh dưỡng không lên được để nuôi cây.