Ốc Hương Đang …. Lên Huơng
Năm 2000 ở huyện Vạn Ninh, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về chuyện nuôi ốc hương xuất khẩu. Những ”ông trùm” tôm hùm cũng trực tiếp đến hoặc điện thoại tới Trung tâm Nghiên cứu thủy sản (NCTS) III (BộThủy sản) để hỏi cụ thể về giống và kỹ thuật nuôi. Vừa qua, chúng tôi đã gặp Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu – Phó Giám đốc Trung tâm NCTS III, tác giả của công trình khoa học (CTKH) cho ốc hương (Babyloniareolata, link 1807) sinh sản nhân tạo để tìm hiểu thêm mô hình nuôi ốc hương thương phẩm còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Hiện nay ốc hương đang… lên hương.
CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ÐÃ ÐI VÀO CUỘC SỐNG
Năm 1998, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu CTKH cấp Nhà nước ”Sinh sản nhân tạo giống ốc hương”. Năm 1999, từ phòng thí nghiệm, ốc hương giống được đưa về nuôi ở vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), Cam Ranh, Nha Trang và một số tỉnh lân cận. Kết quả thu được 300kg ốc thương phẩm. Năm 2000, Trung tâm triển khai nuôi ở nhiều dạng khác nhau: nuôi lồng (như nuôi tôm hùm lồng), nuôi đìa, nuôi đăng… thu hoạch được 3.000kg ốc thương phẩm. Chị Nguyễn Thị Châu (Vạn Ninh), năm 2000 được Trung tâm NCTS III cung cấp 4.000 con giống ốc hương, nuôi trên diện tích 50m2 sau 5 tháng nuôi, thu được 374kg ốc thịt (tỷ lệ ốc sống đạt 93,3%), doanh thu 32.530.000 đồng, trừ chi phí còn lãi 19.650.000 đồng. Năm 2001, chị Châu mở rộng diện tích nuôi gấp đôi với 9.000 con giống, thu lợi nhuận rất cao. CTKH cho ốc hương sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm của Trung tâm NCTS III đã được Bộ Thủy sản nghiệm thu tháng 4-2001 và được đánh giá là công trình xuất sắc. Xuất sắc ở chỗ thời gian nghiên cứu ở phòng thí nghiệm đến khi triển khai nuôi thực địa rất ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, trên thế giới chưa có nước nào cho ốc hương đẻ nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công như Việt Nam.
LỢI ÍCH CỦA ỐC HƯƠNG
Lâu nay ngư dân trong tỉnh coi nuôi tôm hùm lồng là ”số một”, vì giá thành tôm thịt cao nhất so với các loại hình nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng hiện nay người nuôi trồng rất thích nuôi ốc hương lồng, bởi chi phí nuôi thấp (làm một lồng nuôi tôm hùm chi phí 2,5 – 3 triệu đồng, nhưng làm một lồng nuôi ốc hương chỉ tốn 1 – 1,3 triệu đồng), dễ chăm sóc và quản lý nuôi được ở nhiều vùng, thời gian nuôi ngắn (2 – 3 tháng với ốc tự nhiên), khả năng rủi ro ít, giá cả ổn định, lợi nhuận cao. Qua thời gian nuôi ở huyện Vạn Ninh chưa thấy dịch bệnh xảy ra trên ốc hương nuôi lồng. Thức ăn của ốc là các loại cá giã cào, nếu nuôi gần các lồng tôm hùm sẽ tận dụng thức ăn dư thừa của tôm cho ốc ăn. Làm theo cách này có hai cái lợi: giảm tiền mua thức ăn cho ốc và môi trường nước không bị ô nhiễm vì thức ăn tôm hùm thải ra. Ðiều hấp dẫn nữa đối với người nuôi ốc hương là lợi nhuận cao. Nuôi 100kg ốc giống, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Anh Bình ở Xuân Tự- Vạn Hưng đã đầu tư nuôi mấy tấn giống, dự kiến khi thu hoạch sẽ lãi mấy trăm đồng. Do vậy, nhiều địa phương trong tỉnh đã đến Vạn Ninh học cách nuôi ốc hương.
Thị trường tiêu thụ ốc hương rất lớn. Hiện nay, nguồn ốc Việt Nam không đủ để sang Trung Quốc, Hồng Kông, Ðài Loan dưới dạng tươi sống, giá ốc thịt từ 120.000 – 130.000 đồng/kg tại lồng. Thị trường trong nước cũng rất hấp dẫn, các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… bắt đầu thưởng thức loại đặc sản này.
NHU CẦU VỀ CON GIỐNG RẤT LỚN
Xuất phát từ lợi ích nhiều mặt của ốc hương, hiện các hộ nuôi tôm hùm lồng ở huyện Vạn Ninh đều muốn kết hợp nuôi ốc hương với tôm. Song đáng tiếc giống ốc hương không có nhiều để nuôi. Trung tâm NCTS III, đơn xin mua giống xếp từng chồng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: ”Nhu cầu về con giống ốc hương của người dân trong tỉnh rất lớn. Thời gian qua, Trung tâm không đáp ứng nổi, vì Trung tâm chỉ là nơi nghiên cứu, không có cơ sở để tổ chức sản xuất với số lượng lớn”. Năm 2001, huyện Vạn Ninh bắt đầu phát nghề nuôi ốc hương. Bà con vào tận Bình Thuận, Ninh Thuận để mua ốc hương bắt tự nhiên để đưa về nuôi. Riêng Xuân Tự, xã Vạn Hưng đã sử dụng 18 – 20 tấn ốc giống (trên 10 triệu con), ốc thương phẩm đạt 80 – 90 tấn, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn ốc khai thác tự nhiên không đáng là bao so với nhu cầu. Ở thời điểm này, huyện Vạn Ninh có rất nhiều người đã làm xong lồng nuôi, nhưng không mua được giống để thả nuôi. Anh Lê Văn Hoan, ở Xuân Tự – Vạn Hưng chuyên đi mua giống ốc hương ở Bình Thuận đưa về Vạn Ninh bán cho biết “Bà con đặt mua giống rất nhiều, mỗi người nuôi cần 2-5 tạ giống, nhưng lượng ốc giống quá ít, mua dược 1-2 tạ về phải chia đều mỗi người một ít”.
Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi ốc ở Vạn Hưng, lồng nuôi ốc hương phải to hơn lồng nuôi tôm hùm (kích thước 4x8m là vừa). Trong lồng đổ một lớp cát dày càng tốt, nếu chọn được các bãi cát để đặt nuôi lồng nuôi là tốt nhất. Chú ý nuôi với mật độ thưa, ốc mới phát triển nhanh, khoảng 16 nghìn con giống nuôi lồng có diện tích 30-40m2, nhiệt độ nước thích hợp từ 20-300C, độ sâu 2-5m. Ốc hương còn nuôi ở đìa sát bờ biển.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC.
Ốc hương khai thác tự nhiên và xuất khẩu đã mấy năm nay, nhưng nuôi ốc hương thương phẩm thì còn rất mới mẻ. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là đầu tư xây dựng trại sản xuất giống ốc hương, để đáp ứng nhu cầu của người nuôi và rút kinh nghiệm về mô hình nuôi tôm lồng không có qui hoạch tổng thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp. Ngành Thủy sản cần tham mưu cho tỉnh thiết lập các vùng nuôi chuyên canh ốc hương, tránh những vùng cửa sông vùng nước ngọt ra biển mạnh, ốc hương không thích nghi với nước có độ mặn dưới 32o/oo; Đồng thời phối hợp với Trung tâm NCTS III tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ốc hương cho ngư dân để đạt hiệu quả kinh tế cao. Các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh mặt hàng thủy sản cần tìm hiểu thị trường và trực tiếp thu mua ốc hương xuất khẩu để ổn định giá cả cho người nuôi. Nếu làm tốt những vấn đề trên, tin rằng thời gian không xa, biển Khánh Hòa sẽ trở thành một vùng nuôi ốc hương mang tính bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao.