Nuôi tôm trên cạn – mô hình của tương lai
Mô hình nuôi tôm trên cạn mật độ cao có thể tái chế nước, không sử dụng kháng sinh của Công ty Camanor Produtos Marinhos Ltda, Brazil được nhiều chuyên gia đánh giá cao và khuyến cáo các quốc gia có điều kiện tự nhiên tương tự nghiên cứu, học hỏi.
Ý tưởng đoạt giải đổi mới sáng tạo
Đóng tại Barra – thủ phủ của nghề nuôi tôm Brazil – Công ty Camanor trong quá trình phát triển luôn phải loay hoay nghiên cứu, ứng dụng nhiều mô hình nuôi để đối phó với vấn đề sản xuất tôm không hiệu quả, tôm chết hàng loạt. Năm 2013, công ty cho ra đời một công nghệ nuôi tôm AquaScience. Với công nghệ này, năm 2016, Camanor đã được Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản thế giới trao giải thưởng Người lãnh đạo và đổi mới sáng tạo nghề nuôi trồng thủy sản thế giới.
Công nghệ AquaScience được phát triển dựa trên sự tích hợp nhiều hệ thống và ý tưởng như sản xuất tôm nước mặn, sản xuất cá rô phi phụ phẩm, tái chế, khử trùng và tái sử dụng nước. Tất cả chúng được kết nối trong một hệ thống nuôi trồng, trong khi vẫn tồn tại độc lập. Với nó, bạn có thể nuôi tôm trên cạn mật độ cao, tái sử dụng nước nhiều lần trong khi vẫn hạn chế được tác hại tới môi trường cũng như việc sử dụng chất hóa học và kháng sinh.
Mô hình nuôi tôm trên cạn của Camanor. Ảnh: Esquemaaquascience
Hệ thống AquaScience gồm khoảng 4.000m2 mặt nước được che bằng lớp lót nhựa PAED, một cống thoát chính, không có sự trao đổi nước. Việc tái chế và tái sử dụng nước diễn ra giữa các chu kỳ nuôi, sử dụng công nghệ biofloc. Việc xử lý chất thải hữu cơ như thức ăn thừa, phân… được thực hiện thông qua quá trình phân rã và phân hủy bởi vi khuẩn. Hệ thống này tái sinh hỗn hợp nitrogen bằng các quá trình sinh học nitrat hóa và khử nitơ, đồng thời tái chế hỗn hợp phốtpho bằng vi khuẩn và tảo.
Điểm đặc biệt của hệ thống này là các chỉ số nước đều rất ổn định. “Sự biến động của ôxy hòa tan chỉ ở mức 0,5mg/L và độ pH là 0,3 trong hơn 24 giờ. Điều này cho phép ao nuôi tránh các tác nhân gây bệnh. Nhiệt độ ao được giữ ở mức 27-280C trong bóng mát” – Werner Jost – Giám đốc điều hành Camanor – nói.
Năng suất cao, không cần thay nước
Theo ông Jost, để sản xuất một kilôgam tôm, nếu trang trại nuôi tôm kiểu cũ cần 19.000 lít nước thì hệ thống mới chỉ cần 240 lít. “Trong năm 2013, chúng tôi sản xuất 10 tấn/ha, mỗi con tôm nặng 12g, tỷ lệ sống sót là 90%. Mật độ nuôi là 100 tôm giống/m2. Đến tháng 2/2015, chúng tôi đã sản xuất được 48,5 tấn/ha mỗi chu kỳ nuôi, mỗi con tôm nặng 22g. Mật độ nuôi là 230 con/m2 và tỷ lệ sống sót 95%” – Jost nói. Năm 2006, năng suất tôm đã đạt trên 50 tấn/ha.
Werner Jost cũng cho biết thêm: “Với công nghệ mới này, mỗi năm chúng tôi có thể sản xuất được 4 vụ, nuôi trồng được 300 con/m2”. Trong mô hình này, nước thoát ra từ ao tôm sẽ được xử lý khử nitơ để sau đó đưa vào ao nuôi cá rô phi. Khử nitơ và phốtpho là hai vấn đề khó giải quyết nhất trong hệ thống nuôi tôm; nhưng với AquaScience, kể cả tới lần nước thứ năm sau tái chế, nồng độ nitơ và phốtpho vẫn được bảo đảm. Hơn nữa, mô hình này còn giúp người nuôi quản lý các loại virus gây bệnh cho tôm một cách dễ dàng hơn, tránh được những thiệt hại đáng tiếc.
“Đây là ý tưởng mới cho việc nuôi tôm bền vững. Công nghệ của chúng tôi rất được đón nhận ở bên ngoài Brazil. Chúng ta có thể tác động vào hệ thống, tạo ra lượng khoáng cần thiết một cách chính xác để động vật có thể sinh trưởng. Với những mô hình nuôi mật độ thấp, việc này khá khó bởi lượng nước quá nhiều” – ông Jost cho hay.
Đồng quan điểm, Dawn Purchase – chuyên gia về thủy sản thuộc Hội Bảo vệ tài nguyên biển, có trụ sở tại Anh – chia sẻ: “Công nghệ đổi mới sáng tạo này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cân bằng giữa phát triển ngành thủy sản thế giới với việc gìn giữ môi trường sống”.
Giám đốc mảng khoa học phát triển bền vững đại dương ở Viện Hải dương học New England cho rằng: “Cái thú vị của dự án là có thể đạt được năng suất cao mà không phải thay nước. Công nghệ này sẽ giúp giải quyết cả 2 vấn đề: An ninh lương thực và mối đe dọa thiếu nước”.