Nuôi tôm quảng canh kết hợp thả cua giúp tăng trưởng năng suất
Trong các mô hình nuôi thủy sản hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp với cua đang chiếm diện tích tương đối lớn, có những hộ lãi 50 – 70 triệu/ha/năm nhờ năng suất thu được cao.
Nuôi tôm kết hợp cua đúng kĩ thuật sẽ cho năng suất cao ở cả hai loài. Ảnh minh họa
Có thể nói, trong các mô hình nuôi thủy sản hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp với cua, cá đang chiếm diện tích tương đối lớn. Nông dân Bạc Liêu đã đưa diện tích vào nuôi trồng thủy sản được gần 127 ngàn ha, trong đó nuôi tôm theo hình thức quảng canh kết hợp với cua – cá gần 81 ngàn ha, chiếm gần 65%, theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nong Bạc Liêu.
Các huyện có diện tích nuôi tôm kết hợp với cua- cá nhiều là Giá Rai gần 16.900 ha, Đông Hải 36.900 ha, Hòa Bình 11.560 ha, Phước Long 9.800 ha, Hồng Dân 5.900 ha. Năng suất tôm bình quân của mô hình là 370 kg/ha/năm, tổng sản lượng 29.922 tấn, năng suất cua 140 kg/ha/năm, tổng sản lượng 11.358 tấn, năng suất cá 470 kg/ha/năm, tổng sản lượng là 38.017 tấn/năm. So với 3 năm trước đây, năng suất tôm đã tăng trên 20kg, cua là 30 kg, cá gần 100 kg/ ha/ năm.
Đặc điểm của mô hình này là thả tôm nuôi mật độ thưa, diện tích rộng nên bà con chỉ áp dụng biện pháp kỹ thuật ở mức độ thấp. Trung bình 1 tháng bà con thả từ 1-2 đợt tôm, mật độ từ 1 – 3 con/m2 , cua từ 1-2 đợt/ năm, mật độ từ 0,5- 1 con/m2 và thu tỉa khi tôm, cua, cá tự nhiên lớn. Trong năm, có khoảng 90% diện tích sản xuất có hiệu quả, lãi từ 30 – 40 triệu/ha/năm. Cá biệt có những hộ lãi 50 – 70 triệu/ha/năm, còn lại khoảng 10% số hộ hòa vốn.
Về kỹ thuật nuôi tôm kết hợp với cua , ngoài các kỹ thuật cơ bản áp dụng khi nuôi tôm bán thâm canh, cần chú ý một số điểm sau: Khi lấy nước vào ao, cần kiểm tra độ mặn để tránh được hiện tượng tôm, cua bị sốc độ mặn khi thả giống, nhất là đối với cua, nếu chênh lệch độ mặn quá 3 %o khi thả giống sẽ làm cua bị lột võ bất thường, yếu và chết, còn gọi là hiện tượng bẫy lột vỏ.
Về mật độ thả nuôi: tôm thả nuôi theo hình thức này là 12 – 15 con/m2. Nếu thả cua hạt tiêu, tức cua bột mới xuất khỏi trại giống thì nên thả 1 – 1,5 con/m2 (sau khi ương đến hạt dưa còn khoảng 60 – 70 %). Cua càng lớn mật độ thả càng thấp.
Thời điểm thả giống cua trong ao tôm: nếu nuôi từ cua bột thì thả cùng lúc với giống tôm. Nhưng cua được ương trong vèo khoảng 7 ngày trước khi bung vèo ra ao tôm. Vèo ương nên đặt ngay trong ao tôm. Nếu nuôi từ cua hạt dưa thì giống cua được thả sau khi thả giống tôm 7 – 10 ngày.
Nếu nuôi từ cua hạt me thì thả giống cua sau khi thả giống tôm 15 – 20 ngày. Thời điểm thả giống cua trong ao tôm để nuôi ghép rất quan trọng. Thả vào thời điểm hợp lý giúp giảm bớt hiện tượng ăn nhau giữa 2 loài, theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Tp. HCM.