Nuôi thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp ở Hậu Giang
Mô hình được nhân rộng
Tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang), năm 2006 chỉ có hơn 60 hộ thả nuôi cá thát lát cườm trên ruộng lúa; nay đã có gần 200 hộ thả nuôi theo mô hình này.
Hộ ông Nguyễn Văn Đông (thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy) nuôi cá nước ngọt trên ruộng lúa từ năm 2000.
Năm 2006, nghe nói thát lát cườm có giá, ông nuôi thử khoảng 200 con; thấy hiệu quả, ông bắt đầu thả nuôi trên ruộng lúa.
Nuôi trên ruộng lúa cá lớn nhanh, chi phí đầu tư giảm, nhờ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên (như phiêu sinh vật, cá, tép, ốc nhỏ…).
Đầu năm 2009, ông mạnh dạn đầu tư 2 ao nuôi theo hình thức công nghiệp, mỗi ao 500 m2.
Thả 5.000 con giống; chi phí giống khoảng 2.500 đồng/con (loại 3 – 5 phân/con).
Với giá bán 48.000 – 50.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí ông dự đoán sẽ lãi trên 100 triệu đồng.
Hộ ông Phạm Quang Tuyến ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), trên diện tích 2 ha với 400.000 con cá giống thả nuôi 10 – 12 tháng bằng thức ăn công nghiệp, ước sản lượng 300 tấn.
Với chi phí sản xuất khoảng 40.000 đồng/kg cá thành phẩm và giá thị trường hơn 50.000 đồng/kg, người nuôi lãi hơn 50%.
Đầu tư kỹ thuật
Theo nhiều người nuôi có kinh nghiệm thì nuôi cá thát lát cườm không khó.
Trước tiên chuẩn bị ao nuôi: Ao nuôi cá tốt nhất là gần nguồn sông chính, để dễ cung cấp nước ngọt.
Ao cần có bờ chắc chắn.
Tùy cỡ ao lớn nhỏ mà đặt 2 – 3 ống bọng để cấp, thoát nước.
Diện tích ao nuôi tốt nhất 200 – 500 m2, độ sâu 0,8 – 1,2 m, nhiệt độ nước thích hợp 26 – 300C, độ pH 7 – 8,5, lượng ôxy hòa tan lớn hơn hoặc bằng 3 mg/lít.
Trước khi nuôi cần phải dọn cỏ bờ, tát cạn nước, vét hết lớp bùn đáy, bón vôi 10 – 15 kg/100 m2, phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần, cho nước vào 5 – 7 ngày mới thả cá giống; nước cần phải qua lưới lọc để ngăn cá tạp, cá dữ; dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp với pều lượng 3 kg/100 m2.
Có thể bón lót phân chuồng để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá giống với pều lượng 15 – 20 kg/100 m2.
Để cá lớn khỏe, phải có nguồn cá giống sạch bệnh.
Mua giống ở cơ sở uy tín; kích thước đồng đều (3 – 5 phân), không bị xây xát.
Cá khỏe tập trung thành từng nhóm, núp trong giá thể, không bơi rời rạc.
Cá giống mua về nên thả vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Trước khi thả cần ngâm bao đựng cá trong ao 15 – 20 phút để cá không bị sốc do nhiệt độ môi trường và nước ao thay đổi.
Trong ao cần đặt một số giá thể cho cá trú và nên thả cá ở những vị trí này; cá mới thả thường tập trung quanh giá thể nên dễ quan sát và theo dõi.
Mật độ thả 5 – 10 con/m2, có thể thả nuôi ghép cá sặc rằn, cá hường với mật độ 3 – 5 con/m2.
Ban đầu cá giống còn nhỏ, nên chọn thức ăn là cá, tép vụn băm nhỏ hoặc cho cá, tép nhỏ còn sống vào ao.
Cá mồi phải được rửa sạch, băm nhỏ hoặc có thể xay nhỏ và trộn với chất kết dính 1 – 2% để thức ăn không bị rã.
Thức ăn cần vo thành viên, đặt trên sàn để theo dõi, điều chỉnh lượng thức ăn hằng ngày.
Cho cá ăn 2 lần/ngày.
Do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên buổi sáng chỉ cho ăn 1/3 khẩu phần, buổi chiều cho ăn 2/3 khẩu phần.
>> Nuôi cá thát lát cườm không quá khó đối với người nuôi cá nước ngọt.
Quan trọng nhất là có tâm huyết và nắm vững các biện pháp kỹ thuật cơ bản.