Nuôi ghép cá bống tượng, cá sặc bổi
Khoảng tháng Chạp, tháng Giêng, nguồn cá giống bống tượng và cá sặc bổi từ khai thác tự nhiên khá nhiều, cũng là lúc những hộ dân có thâm niên nghề sản xuất cá giống bước vào vụ mới.
Mô hình nuôi cá bộng tượng ghép với cá sặc bổi
Chú Sáu- Nguyễn Văn Nô, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên đã thành công trong việc nuôi cá bống tượng kết hợp với cá sặc bổi. Theo chú Sáu, cá bống tượng nên mua cỡ cá 10- 12 con/kg. Còn cá bổi thì nên mua cá bố mẹ về cho sinh sản. Cá sặc bổi, dân gian thường gọi là cá bổi dầy tho, hay cá bổi; có ngoại hình tương tự cá sặc rằn nhưng đuôi ửng hồng và không có sọc, trọng lượng lớn hơn nhiều so với cá sặc rằn (cá bổi bố mẹ cỡ 5- 6 con/kg là sinh sản tốt).
Cá bống tượng và cá bổi được thả nuôi chung một ao, nhưng ngăn đôi ra, một bên thả cá bống tượng và một bên thả cá bổi. Đến tháng 4, tháng 5 thì cá bổi bắt đầu đẻ. Vớt cá con lên thả nuôi riêng trong vèo, chờ cho đến khi các bầy cá khác đẻ rộ thì tiến hành kéo hết cá bổi bố mẹ lên, chuyển sang ao khác nuôi vỗ tiếp tục để bán cá giống.
Khi đã chuyển hết số cá bổi ra khỏi ao thì tiến hành dỡ bỏ lưới chắn. Với ao 500 m2, do chỉ mua được 1.200 con cá bống tượng, nên mật độ cá bống tượng trong ao khoảng hơn 2 con/m2. Còn cá sặc bổi với kích cỡ 400- 500 con/kg, theo quan sát tỷ lệ sống của chúng, thì chú Sáu ước tính mật độ hiện có trong ao khoảng 20 con/m2.
Vào tháng 10/2011, tức sau hơn 9 tháng thả nuôi, chú Sáu thu hoạch được gần một tấn cá sặc bổi, giá bán 40.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được hơn 15 triệu đồng. Riêng cá bống tượng lúc thu hoạch có kích cỡ bình quân hơn nửa ký, số lượng hơn 1.000 con, thương lái trả giá 200.000 đồng/kg nhưng chú chưa bán mà giữ lại để nuôi tiếp vụ sau.