Nuôi cá đối – Lợi cả đôi đường
Ông La Đông Quang ở khối 2, thị trấn Tam Quan có thâm niên hàng chục năm nuôi tôm, nhưng nhiều vụ gần đây bị thua lỗ do dịch bệnh tôm xảy ra.
“Hễ tôm bị dịch bệnh là ắt môi trường hồ nuôi cũng bị ô nhiễm.
Nếu chủ nuôi nôn nóng gỡ vốn, chưa xử lý môi trường ao nuôi rốt ráo đã thả giống nuôi tiếp thì cầm chắc tiếp tục bị thua.
Do thua lỗ nhiều vụ liền nên tui đã biết sợ, phải tìm hiểu, học tập được giải pháp khắc phục mới dám thả nuôi tiếp”, ông Quang chia sẻ.
Trong vụ nuôi đầu năm 2014, vừa xoay sở tìm kinh phí để cải tạo hồ nuôi, vừa nghe ngóng học tập giải pháp khắc phục thì vừa lúc Trạm KN-KN huyện Hoài Nhơn triển khai mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái tại thị trấn Tam Quan và xã Tam Quan Nam.
Mừng như bắt được vàng, ông Quang xung phong cùng với 2 hộ dân khác đi tiên phong thực hiện mô hình ngay trên diện tích nuôi tôm đã bị suy thoái trước đây của gia đình.
Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 12.000 m2 (3 hộ) với lượng giống thả nuôi là 12.000 con cá đối mục có kích cỡ 200 con/kg.
Mỗi con giống được mua với giá 8.000 đồng có nguồn gốc từ Trung tâm Thủy sản TT – Huế.
Sau 8 tháng thả nuôi, kết quả cho thấy cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt gần 90%, trọng lượng trung bình đạt 2 – 3 con/kg, ước tính sản lượng thu về hơn hơn 4,8 tấn.
Nếu với giá bán như hiện nay từ 80.000 – 120.000 đ/kg, trừ mọi chi phí còn mang lại cho chủ nuôi món lãi trên 160 triệu đồng.
Theo những hộ dân thực hiện mô hình, hiện thị trường đầu ra rất tiềm năng, bởi cá đối mục có thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đây là loài rất dễ nuôi, tỷ lệ sống cao, lại thích hợp với khí hậu khắc nghiệt của miền Trung.
Vốn đầu tư thấp hơn so với các đối tượng nuôi khác, đặc biệt là chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ như cám gạo, ngô và thức ăn công nghiệp.
“Đặc biệt, cá đối mục là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ.
Đặc điểm này rất có lợi cho việc làm sạch môi trường ao nuôi tôm bị suy thoái.
Thêm vào đó, kỹ thuật nuôi không khó, ít dịch bệnh nên tỷ lệ sống cao”, ông Quang chia sẻ.
Cũng theo ông Quang, nếu nuôi cá đối mục xen kẽ với tôm theo tỷ lệ 1/4 thì sẽ mang lại lợi nhuận gấp đôi trên cùng 1 diện tích, đồng thời giảm được thời gian và chi phí thức ăn cho cá.
Bởi thức ăn của tôm luôn thừa dưới đáy hồ, khi cho máy đảo chạy sục khí, lượng thức ăn thừa bung lên, cá cứ thế mà đớp nên tận dụng được nguồn thức ăn tinh, chóng lớn hơn.
Huyện Hoài Nhơn hiện có 210 ha diện tích nuôi trồng thủy sản trong đó, chủ yếu là nuôi tôm.
Theo số liệu thống kê năm 2013 và 2014, đã có 12,5 ha bị ô nhiễm nặng và không thể nuôi tôm được nữa, nên việc triển khai mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái là rất hợp lý và mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ nuôi.
Ông Huỳnh Văn Hương, Trưởng thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam cho biết: “Mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm bị suy thoái đã cho kết quả kép, vừa làm sạch môi trường nuôi trong hồ bảo đảm tôm sinh trưởng an toàn, vừa tạo thêm thu nhập cho người nuôi.
Nếu mô hình này được nhân rộng thì đây là một hướng đi mới đầy triển vọng giúp bà con nuôi tôm khắc phục môi trường nguồn nước nuôi đang bị ô nhiễm”.