Những nhân tố ảnh hưởng đến năng suất heo nái
Người chăn nuôi cần chú ý đến chu kỳ đẻ của trại, phân tích và truy xuất các nguyên nhân ảnh hưởng xấu, từ đó có những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục hậu quả. Chu kỳ đẻ trung bình trong chăn nuôi Việt Nam hiện khoảng 2,1 – 2,5, nếu biết cách quản lý tốt hệ số này có thể tăng lên 2.45 – 2.55.
Một số khái niệm
– Chu kỳ lứa đẻ là một trong những thông số sản xuất thường được sử dụng. Ðây là chỉ số phản ánh hiệu quả sản xuất nái sinh sản của trang trại. Chu kỳ lứa đẻ là số ngày trung bình từ lứa đẻ lần này đến lứa đẻ lần kế tiếp của nái sinh sản, bao gồm thời gian mang thai, thời gian nái nuôi con và thời gian lên giống sau cai sữa. Chu kỳ đẻ có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng heo con sau cai sữa của mỗi nái trong năm. Chu kỳ lứa đẻ của nái hậu bị ngắn hơn chu kỳ lứa đẻ của nái rạ (nái đẻ từ lứa thứ 2 trở đi). Chu kỳ đẻ có thể được tính cho từng cá thể heo nái và cho toàn bộ trang trại. Ðối với một cá thể heo nái, chu kỳ đẻ bằng số ngày mang thai cộng số ngày nuôi con cộng số ngày chờ lên giống sau cai sữa.
– Hệ số lứa đẻ/nái/năm của một nái là số lứa đẻ của nái trong một năm. Công thức tính hệ số lứa đẻ/nái/năm từng nái và chung cả trại được tính như sau:
Hệ số lứa đẻ/nái/năm của một nái:
Hệ số lứa đẻ/nái/năm = 365 ngày/chu kỳ lứa đẻ của nái.
Hệ số lứa đẻ/nái/năm của cả trại:
Hệ số lứa đẻ/nái/năm của trang trại = 365 ngày/chu kỳ lứa đẻ trang trại
Những nhân tố ảnh hưởng đến chu kỳ lứa đẻ
– Không cho nái ăn đầy đủ, nái ăn kém trong thời gian nuôi con: Ðây là khoảng thời gian quan trọng nhất, nái cần phải được cho ăn đầy đủ để có năng lượng duy trì hoạt động hàng ngày và đủ sữa nuôi con. Ðặc biệt đối với nái đẻ lứa một, thể trạng chưa phát triển toàn diện nên cần phải duy trì thể trạng tốt sau khi cai sữa. Nếu thể trạng nái kém, sau khi cai sữa nái sẽ lên giống chậm, ảnh hưởng xấu đến chu kỳ lứa đẻ và năng suất các lứa tiếp theo.
– Thay đổi mùa (thời tiết) trong năm: Khi nhiệt tăng có thể thấy sự gia tăng ngày trong chu kỳ đẻ. Vì thời tiết nóng, nái sẽ ăn ít. Khi nái ăn ít sẽ thiếu sữa, lên giống chậm vì mất thể trạng, đặc biệt khi nái được nuôi trong chuồng hở và ảnh hưởng đến trọng lượng của heo con khi cai sữa.
– Thời gian nuôi con: Nếu thời gian nuôi con quá ít (ví dụ 16 ngày) sẽ dẫn đến nái lên giống chậm, bởi vì trong thời gian này tử cung chưa hoàn toàn phục hồi. Nếu ngày nuôi con quá dài cũng ảnh hưởng đến chu kỳ đẻ của nái.
Ảnh hưởng của chu kỳ lứa đẻ đến năng suất
Ðể thấy được sự ảnh hưởng của chu kỳ lứa đẻ đến năng suất sản xuất của trang trại (số heo con cai sữa/năm), chúng ta xem ví dụ dưới đây.
Giả sử một trại có bình quân số con heo con cai sữa/lứa là 10 con. Chúng ta xem xét sự khác biệt năng suất khi chu kỳ lứa đẻ thay đổi:
Trường hợp thứ nhất: Giả sử chu kỳ lứa đẻ là 151 ngày.
Hệ số lứa đẻ/nái/năm: 365/151 = 2.42 lứa/nái/năm
Tổng số heo con cai sữa/nái/năm: 2.42 * 10 con = 24.20 heo con cai sữa/nái/năm.
Trường hợp thứ hai: Giả sử chu kỳ lứa đẻ là 158 ngày (tăng thêm 7 ngày).
Hệ số lứa đẻ/nái/năm: 365 ngày/158 ngày = 2.31 lứa/nái/năm
Tổng số heo con cai sữa/nái/năm: 2.31 * 10 con = 23.1 heo con cai sữa/nái/năm.
Qua ví dụ trên, ta thấy khi chu kỳ lứa đẻ tăng thêm 7 ngày thì sẽ giảm 1.1 con heo con cai sữa/nái/năm. Có nghĩa là, chu kỳ lứa đẻ tăng sẽ làm giảm năng suất sản xuất của trang trại. Do đó, chủ trang trại cần phải giảm chu kỳ lứa đẻ của trang trại.
Một số nhân tố ảnh hưởng tới chu kỳ lứa đẻ, hệ số lứa đẻ/nái/năm của trang trại
Trong các giai đoạn sản xuất của nái thì thời gian mang thai ít biến động và thường dao động 112 – 116 ngày. Dưới đây xem xét ảnh hưởng của từng nhân tố đến chu kỳ lứa đẻ và hệ số lứa đẻ/nái/năm:
Thời gian nuôi con (số ngày cai sữa): Thời gian nuôi con ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ lứa đẻ và hệ số lứa đẻ/nái/năm của trang trại và ảnh hưởng đến năng suất của trang trại. Khi tăng 1 ngày nuôi con chu kỳ lứa đẻ cũng tăng thêm 1 ngày nhưng hệ số lứa đẻ/nái/năm của trang trại giảm đi gần 1%. Ðây là một trong những nhược điểm của việc tăng số ngày nuôi con. Tuy nhiên, trên thực tế nếu tăng số ngày nuôi con thì trọng lượng heo con cai sữa tốt hơn. Vì vậy trang trại cần giảm số ngày nuôi con nhưng vẫn đảm bảo được trọng lượng heo con cai sữa tốt.
Khoảng thời gian cai sữa đến phối và đậu thai: Thông số này cũng ảnh hưởng lớn đến chu kỳ lứa đẻ của nái và chu kỳ lứa đẻ của trang trại. Chủ yếu bởi hai chỉ số: khoảng thời gian cai sữa – phối giống và các tổn thất sinh sản do sẩy thai và nái không bầu…
Thời gian nái sau cai sữa đến lên giống: Khoảng thời gian này càng dài thì chu kỳ lứa đẻ càng lớn. Do vậy, chủ trang trại cần phải giảm đến mức tối thiểu tỷ lệ nái chậm lên giống (không quá 7 ngày). Nếu nái sau 7 ngày không lên giống sau cai sữa thì nái đó được xếp loại có “vấn đề” và cần giải pháp xử lý kịp thời.
Vấn đề sinh sản (sẩy thai, không bầu): Như chúng ta biết, mỗi khi nái có “vấn đề” sinh sản sẽ đưa đến khoảng thời gian đẻ tệ hơn, số ngày không làm việc (NPD) của nái sẽ lớn hơn. Ví dụ, một con nái bị sẩy thai ở gian đoạn 55 ngày sau khi phối và sau đó được phối lại sau 25 ngày. Như vậy tổng số ngày nái không làm việc là 80 ngày, điều này sẽ ảnh hưởng đến khoảng thời gian đẻ nhiều hơn 4 lần so với nái lên giống sau 20 ngày. Do vậy, chủ trang trại cần làm giảm NPD của nái và của toàn trang trại càng thấp càng tốt.
Một số giải pháp giảm chu kỳ lứa đẻ
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đưa ra một số giải pháp giảm chu kỳ lứa đẻ:
– Ðảm bảo thể trạng nái tốt liên tục, tránh biến đổi lớn về thể trạng giữa thời gian mang thai và nuôi con;
– Ðảm bảo nhiệt độ trong chuồng ổn định, phù hợp, tránh nhiệt độ quá cao. Sử dụng các hệ thống làm mát hiệu quả trong những ngày nhiệt độ cao;
– Cung cấp nước đầy đủ cho nái uống, cho ăn nhiều lần/ngày (3 – 4 lần/ngày). Những ngày nóng bức nên cho ăn lúc sáng sớm và chiều tối;
– Ðối với những nái đẻ nhiều con, nên tách những con có trọng lượng lớn sang bầy khác và nên để nuôi ít nhất 7 heo con mỗi lứa. Không nên để nái nuôi quá ít con, nái có thể lên giống sớm trong lúc nuôi con;