Người trồng nho xanh VietGAP lãi lớn
Chuyển từ nho đỏ sang nho xanh và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng nho ở vùng Thành Sơn (Ninh Thuận) đang thu lãi tốt nhờ năng suất cao, chất lượng đồng đều.
Có chất đất tốt nên là nho Thành Sơn cho trái xanh và ngọt.
Ông Nguyễn Hồng Hà, người có gần 20 năm kinh nghiệm trồng nho ở Thành Sơn cho biết, vụ nho Đông Xuân năm nay thời tiết thuận lợi nên chất lượng trái cũng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tôi trồng khoảng 2 sào, chính vụ cho năng suất khoảng 7 tấn, mức giá bán dao động 20.000-60.000 đồng một kg (tùy loại). Vụ này nhờ áp dụng quy trình trồng mới cho năng suất tốt, chất lượng nho loại 1 cao nên cũng thu được 170 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 130 triệu”, ông Hà nói và cho biết, trước đây ông trồng nho đỏ khá vất vả vì năng suất thấp, trái nhỏ, bảo quản khó nên thương lái ít thu gom vì vậy lãi thấp, thậm chí chỉ hòa vốn. Nhưng từ khi chuyển đổi sang mô hình trồng nho xanh và theo quy trình sạch thì năng suất và giá cả tốt hơn.
“2 sào nho của chúng tôi đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt nam). Sắp tới để tăng mạnh sản lượng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích”, ông Hà nói.
Cũng khá phấn khởi, bà Nguyễn Thị Nguyên sở hữu 6 sào nho xanh ở Thành Sơn cho biết, năm nay nho được mùa, giá bán cho thương lái cũng tăng thêm 5.000 đồng một kg so với cùng kỳ năm trước. Riêng nho loại 1 tại vườn nhà bà được một doanh nghiệp đặt cọc thu mua để cung ứng cho hệ thống siêu thị ở TP HCM nên giá cũng nhích lên đôi chút.
Qua 2 vụ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (hạn chế việc sử dụng phân, thuốc hóa học bằng cách sử dụng phân vi sinh thân thiện với môi trường), vườn nho của bà Nguyên cho năng suất bình quân tăng đến 25% và lợi nhuận tăng 15-20%.
“Hiện tại nho xanh loại 1 và 2 tôi bán cho một doanh nghiệp ở TP HCM với giá 40.000-60.000 đồng một kg. Còn nho loại 3 chủ yếu bán cho một số thương lái nhỏ lẻ hoặc các đơn vị làm rượu. Vì sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên được khá nhiều đơn vị thu mua, đối với hàng loại 1 cung chưa đủ cầu. Tuy nhiên, sản phẩm loại 3 vẫn chưa có thị trường ổn định”, bà Nguyên cho biết.
Trong thời gian tới, để có nhiều nguồn hàng cung ứng hơn cho thị trường bà Nguyên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lên khoảng 1ha.
Không bán theo tấn như 2 hộ trên, ông Lý, sở hữu 4 sào nho xanh tại Thành Sơn chọn cách bán nguyên cả vườn. “Vụ Đông Xuân này tôi mới chỉ thu hoạch được 2 sào, 2 sào còn lại thì chưa được thu hoạch. Tuy nhiên năm nay được mùa, giá cả bớt bấp bênh nên tôi đã bán vo (nguyên vườn) được khoảng 100 triệu đồng. Nếu các năm trước tôi trồng nho đỏ sản lượng chỉ đạt hơn 2 tấn một sào thì trồng nho xanh theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 3 tấn”, ông Lý nói, đồng thời cho biết thêm, vì đặc thù vùng đất ở Thành Sơn có chất đất tốt, chứa nhiều hàm độ ka-li, nên người trồng không phải bón nhiều phân, nhưng cây nho vẫn cho quả ngọt, trái xanh hơn nhiều so với các vùng khác.
Tính đến nay, toàn thôn Thành Sơn có 70ha trồng nho xanh, là vùng trồng nho xanh nhiều nhất huyện. Mùa nho này, hầu hết nông dân trồng nho ở đây đều có lãi vài chục đến hàng trăm triệu đồng và đang chuyển hướng trồng theo mô hình VietGAP để đảm bảo lượng hàng ổn định, chất lượng sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng.