Mùa hạn, cây sầu riêng bị nấm tấn công
Nhiều bạn đọc hỏi chuyên mục cách chăm sóc cây sầu riêng vào mùa hạn. Nhất là thời điểm này cây sầu riêng có hiện tượng rụng lá, thối rễ dẫn đến năng suất giảm, có nguy cơ mất mùa cho năm sau.
Tác nhân do nấm Phytophthora
Nấm Phytophthora gây hại trên sầu riêng có nhiều dạng triệu chứng khác nhau như gây bệnh thối rễ, gây héo rũ, nứt thân và chảy gôm, gây thối quả. Trong năm 2016, đã ghi nhận hiện tượng khô ngọn chết cây sầu riêng hàng loạt (còn gọi là bệnh xì mủ trên thân, bệnh khô ngược cành) ở một số nơi thuộc tỉnh Đắk Lắk, bệnh bắt đầu xuất hiện vào tháng 11 – 12/2016, có vườn tỷ lệ cây bị bệnh trên vườn từ 90 – 95%. Các triệu chứng điển hình là cây bị bệnh có ngọn bị chết héo khô, lá bị héo khô từ trên xuống, lá của cành bệnh bị héo và rụng, cành bị khô héo dần về phía thân chính và cuối cùng các cành đều bị chết khô dẫn đến cây bị chết trong thời gian ngắn.
Tác nhân gây bệnh, theo Viện Bảo vệ thực vật và Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã xác định do nấm Phytophthora là đối tượng gây hại quan trọng nhất trên cây sầu riêng, đáng chú ý nhất là gây hiện tượng chết rũ (héo rũ) và chết ngọn cây.
Các kết quả nghiên cứu mới nhất của các cơ quan nghiên cứu như Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật) về nguyên nhân gây hiện tượng héo ngọn chết cây sầu riêng ở Đắk Lắk đều đã ghi nhận sự hiện diện của nấm Phytophthora trong các mẫu phân tích. Ngoài ra, còn ghi nhận sự hiện diện của một số đối tượng khác như nấm Fusarium, vi khuẩn Erwinia.
Gần đây, cây sầu riêng lại xuất hiện hiện tượng này. Nguyên nhân dẫn đễn sự xuất hiện tác nhân gây bệnh có thể do cuối năm 2016 cơn mưa dầm kéo dài liên tục nhiều ngày làm cho cây sầu riêng phát bệnh. Ban đầu bệnh chỉ xuất hiện trên lá, dần dần qua nhánh và kéo dài qua thân, gốc khiến cây chết khô. Mặc dù sau các đợt mưa, người trồng mua nhiều loại thuốc phun nhưng bệnh xì mủ không thuyên giảm. Phạm Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Sầu cho biết, cuối năm 2016 thời tiết mưa nhiều, sầu riêng bị ảnh hưởng bệnh xì mủ trên cây khoảng 80%. Bệnh này diễn ra quá nhanh, Hội Nông dân xã đã kiểm tra và kiến nghị chính quyền địa phương kịp thời hướng dẫn người dân điều trị. Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có 80ha sầu riêng, trong đó khoảng 20ha đang cho thu hoạch; đáng chú ý là rất nhiều vườn có tuổi thọ hơn 10 năm tuổi bị bệnh xì mủ….
Cách phòng trị
Để phòng trị kịp thời, Viện bảo vệ thực vật chính thức đưa ra “phát đồ” điều trị bệnh. Theo đó, sử dụng cây giống sạch bệnh, khoẻ mạnh, chống chịu bệnh. Không nên trồng xen hồ tiêu, dứa… xung quanh và trong vườn sầu riêng. Bón phân thích hợp, cân đối, chú ý bổ sung phân hữu cơ, tăng cường bón vôi cải thiện pH đất. Thoát nước tốt cho vườn cây. Tỉa cành tạo tán thích hợp để vườn cây thông thoáng. Phủ gốc trong mùa khô giảm nóng và bốc thoát nước. Tránh gây vết thương cho cây trong quá trình chăm sóc. Thu gom và tiêu hủy các tàn dư cây bị bệnh trên vườn. Thường xuyên theo dõi tình hình phát sinh và phát triển bệnh trên vườn. Hạn chế tưới nước, bón phân hóa học, phân bón lá và các chất kích thích ra hoa, đậu quả đối với những cây đã bị nhiễm bệnh.
* Biện pháp sinh học: – Sử dụng vi sinh vật đối kháng như chế phẩm chứa nấm Trichoderma spp., xạ khuẩn Steptomyces spp. chế phẩm EM. Tưới vào quanh gốc và vùng rễ cây để hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora spp. trong đất. – Sử dụng chế phẩm sinh học đa chủng Phyto – M (có chứa các vi sinh vật đối kháng Trichiderma harzianum, Bacillus methylotrophicus và Streptomyces misionensis), liều lượng bón (0,4 tấn/ha) vào thời điểm trước mùa mưa có khả năng hạn chế nguồn nấm Phytophthora sp., nấm Fusarium sp., Verticillium sp., tồn tại trong đất trên vườn trồng sầu riêng.
* Biện pháp hóa học – Quét gốc: Hằng năm nên tiến hành quét vôi quanh gốc, cao từ 70 – 90cm để hạn chế sự lây nhiễm nấm Phytophthora spp. từ đất lên thân cây sầu riêng. Hoặc quét nước thuốc Bordeaux 5% trước mùa mưa. – Phun thuốc: Mỗi năm có thể phun tán 3 – 4 lần với Bordeaux 1% hoặc các loại thuốc gốc đồng luân phiên với các thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Phosphonate, Fosetyl aluminium, Cymoxanil + Fosetyl aluminium để phòng bệnh. Nồng độ sử dụng theo hướng dẫn của sản phẩm. – Tiêm thuốc: Mỗi cây trưởng thành tiêm 3 – 5 ống tiêm Chemjet 20ml với thuốc có hoạt chất Phosphonate nồng độ 20%, mỗi năm tiêm 1 – 2 lần sau mỗi đợt chồi non để phòng bệnh. Đối với cây đã bị nhiễm bệnh trên thân, cành, có những vết thâm đen các bó mạch dẫn thì không sử dụng biện pháp này vì đây là hoạt chất kích kháng chỉ có tác dụng trên cây chưa bị bệnh.
– Bôi thuốc: Đối với những cây có vết bệnh còn nhỏ thâm đen và chảy gom trên thân, cành. Dùng dao bén cao bỏ phần mô chết, bôi lên mặt cắt và xung quanh dung dịch thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Fosetyl aluminium, pha tỷ lệ 1%. Tiến hành vào lúc trời khô ráo hay không mưa. Nồng độ sử dụng theo hướng dẫn của sản phẩm.
– Cưa bỏ và tiêu hủy: Đối với những cây bị nhiễm bệnh nặng, thân chính và các cành trên cây đều bị những vết thâm đen, cây rụng lá không có khả năng phục hồi thì tiến hành cưa cây và nhổ bỏ rễ đem tiêu hủy để tránh lây lan nguồn bệnh. Xử lý hố bằng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Fosetyl aluminium, Cymoxanil + Fosetyl aluminium để tiêu diệt nguồn bệnh