Một số biện pháp phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản trong mùa mưa bão
Tuy nhiên hàng năm vào tháng 9,10 những trận mưa lớn gây lũ đã làm thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Để giúp bà con giảm thiểu những rủi ro về dịch bệnh do mưa lũ mang tới người nuôi cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp và điều trị kịp thời một số bệnh thường gặp cho động vật thủy sản, cụ thể như sau:
1. Phòng bệnh:
Trong mùa mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng “sốc môi trường” cho động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh. Một số loại bệnh thường gây ra cho cá nuôi xuất hiện như: Các bệnh do ký sinh trùng (bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, nấm thủy mi, rận cá, bệnh đóng rong ở tôm…), các bệnh do vi khuẩn, vi rút như bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột…. Do đó cần phải tiến hành các biện pháp quản lý ao, chăm sóc tốt cho động vật thủy sản:
– Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân do đâu, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 3kg/m3 nước để làm cho nước trong sạch.
– Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh; theo dõi thời tiết nhất là những tháng chuyển mùa và những ngày chuyển trời để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn.
– Bảo đảm môi trường ao nuôi cho cá, tôm trong sạch bằng các biện pháp hóa dược như sử dụng bột đá, vôi bột, vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi, liều lượng tùy theo đối tượng nuôi. Ví dụ: nuôi cá rô phi định kỳ 7 – 10 ngày/lần bón 1-2kg/100m3 nước. Có thể sử dụng hóa chất khác như Zeolite bón vào 3 tháng cuối chu kỳ nuôi để chúng hấp thu các độc tố (NH3, H2S) và kim loại nặng, liều dùng 1-2kg/100m3, định kỳ 10 ngày/lần.
– Đối với nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ nước lớn cần sử dụng hoá chất treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Sử dụng vôi bột đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Treo túi cách mặt nước khoảng 1/3 – 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè. Liều lượng sử dụng là 2-4 kg vôi/10m3 nước. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác
– Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50-60 mg/kg cá/ngày. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc sử dụng.
2. Trị bệnh:
Ngoài các biện pháp phòng bệnh nêu trên, người nuôi cần chú ý cách trị một số bệnh thường gặp sau:
2.1.Đối với cá:
a. Bệnh trùng bánh xe:
Bệnh này do các loại trùng có hình dạng như bánh xe phát triển cao điểm vào các mùa mưa, lũ. Chúng ký sinh trên da, mang, khoang mũi của cá, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi cá ở trên cạn. Khi cá mới mắc bệnh, mình cá có lớp nhớt màu hơi trắng đục, cá bệnh thường nổi đầu và thích tập trung nơi nước chảy, thích cọ mình vào thành bể hoặc cây cỏ và có cảm giác ngứa ngáy. Đôi khi cá nhôđầu lên khỏi mặt nước và lắc mạnh đầu. Cá bệnh nặng mang cá sưng to (kênh to), da cá chuyển màu xám, trông lờ đờ, đảo lộn vài vòng rồi chìm xuống đáy ao và chết.
Để trị bệnh, dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút, hoặc dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ0,5-0,7 ppm (0,5-0,7g cho 1 m3 nước). Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20-25 ppm (20-25 ml/m3) phun xuống ao, tắm vào buổi sáng sớm hoặc vào chiều tối.
b.Bệnh đốm đỏ do nhiễm khuẩn:
– Tác nhân:Gây bệnh đốm đỏ ở cá là do các giống vi khuẩn Pseudomonas (P. fluorescens, P. Anguilliseptica, P. chlororaphi,…) và Aeromonas (A. hydrophila, A. caviae, A. Sobria,…) trong điều kiện nước nuôi bị ô nhiễm hữu cơ, cá bị tổn thương bên ngoài, dinh dưỡng kém hoặc bị sốc; thả nuôi mật độ cao, môi trường nước thiếu oxy.
– Triệu chứng:Cá bị sẫm màu từng vùng, tuột nhớt. Xuất hiện từng mảng đỏ hoặc chấm đỏ có xuất huyết xung quanh miệng, nắp mang và mặt bụng nhưng ở vây và hậu môn không có tình trạng này. Bệnh nặng còn có dấu hiệu hoại tử đuôi, vây; xuất hiện các khối u trên bề mặt cơ thể; vảy dễ rơi rụng; mắt lồi, mờ đục và phù ra; xoang bụng chứa dịch, nội tạng hoại tử. Bệnh có thể gây cá chết với tỷ lệ cao lên đến 70 – 80%.
– Trị bệnh:Trước tiên cần thay nước tốt cho cá khoảng 30 – 50% tùy điều kiện. Sát trùng nước bằng các loại hóa chất như trị bệnh lở loét ở trên, lặp lại 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Dùng một trong các loại kháng sinh trộn vào thức ăn như sau: Kanamycin: 50 mg/kg cá, liên tục 7 ngày hoặc nhóm Sulfamid: 150 – 200 mg/kg cá, cho ăn 7 – 10 ngày. Đồng thời, chú ý tăng cường sức đề kháng cho cá trong thời gian dùng thuốc như trị bệnh lở loét ở phần trên.
Đối với bất kỳ một loại bệnh nào gây hại cho cá nuôi, bên cạnh việc dùng thuốc, hóa chất để tiêu diệt tác nhân gây bệnh, người nuôi thủy sản cũng cần phải sử dụng thêm các loại sản phẩm như: Zeolite, Yucca, men vi sinh,… để xử lý, cải tạo môi trường nước thật tốt cho cá sinh sống. Khi đó, công tác điều trị bệnh mới đạt hiệu quả cao nhất.
c. Bệnh trùng quả dưa:
+ Tác nhân gây bệnh:
– Ichthyophthyrius multifiliis ký sinh ở cá nước ngọt
– Cryptocaryon irritans ký sinh ở cá biển
+ Dấu hiệu bệnh lý:
– Da, mang màu sắc nhợt nhạt.
– Trên thân có các hạt lấm tấm màu trắng đục.
Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn cá giống cá nuôi nước ngọt và cá biển đặc biệt là cá nuôi lồng.
+ Phòng trị bệnh:
– Formalin tắm và phun lên cá.
2.1. Đối với tôm nuôi:
a. Bệnh đóng rong trên tôm:
Đóng rong là một bệnh chủ yếu do môi trường tạo ra trong đó các tác nhân chính là tảo, nấm, động vật nguyên sinh và vi khuẩn tác động lên nhau tạo thành bệnh. Bệnh thường xuất hiện từ giai đoạn tôm giống đến tôm trưởng thành, đặc biệt là vào những tháng cuối của vụ nuôi.
* Đặc trưng của mầm bệnh:
– Phần lớn do một số vi khuẩn gây ra như: Vibrio sp., Aeromonas sp., … Do một số tảo lam: Spirulina subsalsa, Schizthrix calcicola; Tảo lục: Enteromorpha sp.; Tảo khuê: Amphora sp., Nitszchia sp., loài nấm và nguyên sinh động vật.
* Dấu hiệu nhận biết:
Toàn thân bị dơ, tập trung ở phần đầu ngực hay toàn thân, mang và các phụ bộ. Tôm bị bệnh này rất yếu, bỏ ăn, ít di chuyển và cặp mé bờ, đồng thời mang thường bị tổn thương hoặc biến đổi màu sắc.
* Phương pháp cuẩn đoán:
Kiểm tra ký sinh trùng bằng cách soi tươi dưới kính hiển vi kết quả phát hiện thấy Vorticella sp. và Epistylis sp. và nhiều nấm. Xét nghiệm PCR trên tôm bị đóng rong có đến 80% tôm bị nhiễm mầm bệnh đốm trắng với cường độ nặng.
* Biện pháp phòng trị:
– Phòng bệnh bằng cách quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm.
– Tăng cường thay nước nhằm cải thiện môi trường đồng thời kích thích cho tôm lột. Nếu tỷ lệ nhiễm cao, chúng ta có thể dùng formol liều lượng từ 15-20ppm đánh vào ban ngày sau đó thay nước, nếu đóng rong vẫn còn ta có thể đánh tiếp lần hai.
b. Bệnh đốm trắng (WSSV):
* Tác nhân gây bệnh
– Tác nhân gây bệnh đốm trắng là: Whispovirus gây ra.
– Tôm bị bệnh đốm trắng nguyên nhân phổ biến là do ấu trùng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên nó có thể lây lan từ nguồn nước lấy vào hay thông qua các loài giáp xác hoang dã.
* Dấu hiệu bệnh lý
Tôm bị bệnh đốm trắng thường có biểu hiện đầu tiên là tôm bơi ở tầng mặt, dạt bờ, kém ăn và xuất hiện những đốm trắng (có đường kính 0,5 – 2mm) trên lớp vở đầu ngực. Những đốm này ở trong lớp vở và không thể loại bỏ bằng việc chà sát. Tôm chết ồ ạt sau 3 – 10 ngày nhiễm bệnh và tỉ lệ có thể lên đến 100%.
* Các biện pháp kiểm soát.
+ Hiện vẫn chưa có biện pháp chữa trị tôm bị nhiễm virus đốm trắng.
+ Sử dụng dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như:
– Cải tạo ao triệt để trước khi đưa vào nuôi.
– Nguồn nước đưa vào ao nuôi phải được xử lý mầm bệnh. Nguồn nước thải của các ao nuôi nhất là trong mùa dịch bệnh cần đưa vào ao xử lý để tiêu diệt mầm bệnh (Chlorine 30 ppm) và giữ ít nhất 4 ngày trước khi thải ra ngoài môi trường.
– Sử dụng con giống sạch đã qua kiểm dịch và xét nghiệm.
– Duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tôm nuôi, không để hiện tượng ô nhiễm hữu cơ xảy ra trong ao, giữ sạch đáy ao.
– Sử dụng định kỳ các chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng của tôm.
– Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách trộn chung các loại vitamin và khoáng chất nhất là vitamin C và β glucan cho vào thức ăn cho tôm ăn.
– Theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Nếu phát hiện tôm bị đốm trắng phải thu hoạch ngay để tránh thiệt hại lớn.
Tags: phong va tri benh, dong vat thuy san, nuoi trong thuy san