Một số biện pháp phòng chống rét cho thủy sản – Phần 1
Vấn đề đặt ra cho người nuôi trồng thủy sản là phải làm cách nào để hạn chế tối đa thiệt hại do rét đậm rét hại gây ra.
Các đối tượng nuôi cần phòng chống rét:
– Các loài động vật thủy sản có nguồn gốc nhiệt đới, khả năng chịu rét kém như tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng…, cá rô phi, cá chim trắng nước ngọt, cá tra, ba sa, tôm càng xanh, cá bống tượng …;
– Các đối tượng nuôi thủy sản ở giai đoạn giống cần lưu qua đông
– Đàn tôm, cá bố mẹ nuôi vỗ sớm để cho sinh sản sớm vào đầu vụ như cá rô phi, cá chim trắng…
Để chống rét, cá thường rúc đầu xuống bùn, nấm thuỷ my phát triển ăn kín vào mang làm cá bị ngạt thở chết và rất nhiều loại bệnh khác phát sinh…
Để chủ động phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài trong vụ đông xuân, hạn chế thiệt hại do thời tiết lạnh giá gây ra, chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp phòng chống rét cho các loài thủy sản:
1. Điều kiện nuôi:
– Nuôi trong bể: Đối với những cơ sở có hệ thống bể trong nhà thì nên nuôi thủy sản qua đông trong hệ thống bể.
Bể nuôi đảm bảo có nguồn nước tốt, có sục khí, có hệ thống nâng nhiệt, đảm bảo nhiệt độ nước trong bể > 20 độ. Đối với ương giống qua đông, nên nuôi trên bể để hạn chế thiệt hại.
– Nuôi trong ao: Ao nuôi thủy sản qua mùa đông cần chọn ao kín gió, có diện tích từ 300-500m2, ao có hình chữ nhật, hướng Bắc – Nam.
Có nguồn nước sạch, cấp và thoát nước dễ dàng, dễ gây màu, chất đáy tốt. Bờ ao phải chắc chắn, không để bờ ao rò rỉ mất nước làm ao cạn, phải luôn giữ mực nước trong ao trên 1,5m, tốt nhất là từ 2 – 2,5m.
Các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá ao nuôi phù hợp với sự phát triển của các đối tượng nuôi: pH >7, Oxy hoà tan >5mg/l.
– Nuôi trong các môi trường khác: Ngoài ra, một số cơ sở có các biện pháp khác như nuôi trong giếng, nuôi trong hầm…