Một số bệnh thường gặp trên tôm hùm (Phần 2)
Thời gian qua, dịch bệnh trên tôm hùm ngày càng phát triển, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng của người dân. Sau đây, xin giới thiệu một số bệnh thường gặp trên tôm hùm và giải pháp khắc phục.
1/ Bệnh đỏ thân
Tác nhân gây bệnh
Tác nhân chính gây bệnh đỏ thân ở tôm hùm bông nuôi lồng tại Khánh Hòa là virus dạng hình cầu, bầu dục (hình 1B), có kích thước khoảng 60 – 80 nm. Ngoài ra, còn gặp một số vi khuẩn như Vibrio spp (Vibrio alginolyticus, V. parahaemolyticus, V. damsela…)
Hình 1: Mô gan tụy tôm hùm bông bệnh đỏ thân (do cảm nhiễm nhân tạo) và tôm khỏe duới kính hiển vi điện tử. A- mô gan tụy tôm khỏe; B- mô gan tụy tôm bệnh. Mũi tên đen chỉ virus (virion) cắt dọc và cắt ngang; đầu mũi tên đen chỉ lõi (genom) của virus; đầu mũi tên trắng chỉ vỏ capsit của virus (không có lõi ở bên trong) (theo Võ Văn Nha, 2009)
Dấu hiệu bệnh lý
Hình 2: Một số dấu hiệu nhận biết bệnh đỏ thân ở tôm hùm bông. A, B- mặt lưng và bụng tôm khỏe; C,D- mặt lưng và bụng tôm có màu đỏ nhạt, E- tôm đỏ toàn thân và cơ vùng giữa giáp đầu ngực và thân phình ra; F- mặt bụng tôm đỏ bầm (theo Võ Văn Nha, 2009)
Trạng thái: Tôm bệnh không nhanh nhẹn, yếu và kém bắt mồi hơn tôm khỏe;
Màu sắc: Mặt bụng của phần lưng tôm bệnh xuất hiện màu đỏ nhạt đến đỏ bầm so với màu sáng “trong” của tôm khỏe. Toàn bộ cơ thể tôm bệnh xuất hiện màu đỏ nhạt đến đỏ bầm khi so với màu “xanh” sáng của tôm khỏe.
Mức độ ảnh hưởng: Tôm bệnh chết rải rác trong thời gian dài.
Biến đổi hình thái bên ngoài: Đôi khi gặp tình trạng phù nề của phần cơ vùng giáp ranh giữa giáp đầu ngực và phần bụng, cơ tôm phình ra ở cuối giáp đầu ngực. Các khớp ở đôi chân bò phù nề và rời ra, đôi râu xúc tu 2 dễ gãy.
Phân bố và lan truyền bệnh
+ Mùa vụ: xuất hiện chủ yếu từ tháng 2 – 7 hàng năm;
+ Giai đoạn tôm nuôi: Giai đoạn tôm con, khối lượng
+ Mật độ tôm nuôi: Ở mật độ nuôi nhỏ hơn 5 con/m2, nguy cơ xuất hiện bệnh đỏ thân thấp hơn so nuôi ở mật độ hơn 5 con/m2;
+ Vệ sinh lồng trong quá trình nuôi: Ở nhóm hộ nuôi có vệ sinh lồng, nguy cơ xuất hiện bệnh đỏ thân thấp hơn so với nhóm hộ nuôi không vệ sinh lồng.
Phòng trị bệnh
Áp dụng biện phòng bệnh tổng hợp: Nuôi mật độ thưa 2, vệ sinh lồng thường xuyên.
Cho tôm ăn Vitamin và khoáng 7 – 10 ngày/tháng, như dùng 20 – 30 mg Vitamin C/kg thể trọng tôm/ngày.
2/ Bệnh sữa
Hình 3: A- Rickettsia trong dịch sữa tôm hùm bệnh, nhuộm gram. Rickettsia (hình KHVĐT): B- trong cơ; C- trong gan tụy tôm hùm bị bệnh sữa (theo Đỗ Thị Hòa, 2007)
Tác nhân gây bệnh
Giống Rickettsia gây bệnh sữa trên tôm hùm. Hình que hơi cong, chiều dài 1 – 1,5 Micro met, ký sinh nội bào (hình 3 B, C). Giống Rickettsia ký sinh trong cơ và mô liên kết và xâm nhập đến các mô bằng các tế bào máu của tôm. Nhuộm gram Rickettsia bắt màu tím (hình 3A). Quan sát dưới kính hiển vi điện tử Rickettsia có màng tế bào mỏng và bên trong chưa nhiều không bào.
Dấu hiệu bệnh lý
Cơ bụng màu trắng đục (hình 4), nội tạng bị hoại tử. Từ các đầu chân bò chảy ra dịch màu trắng sữa, mùi hôi thối. Tôm bỏ ăn và chết trong vòng 2 – 5 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh lý đặc trưng.
Phân bố và lan truyền bệnh
Bệnh phân bố trên các loài tôm hùm nuôi lồng, bệnh xuất đầu tiên ở Khánh Hòa năm 1999 sau lan rộng từ Bình Định đến Bình Thuận của ven biển Việt Nam. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2007, bệnh sữa trên tôm hùm gây thiệt hại 161 tỷ đồng.
Tôm nhiễm Rickettsia khi sức đề kháng yếu kết hợp với môi trường suy thoái sẽ xuất hiện bệnh sữa trên tôm hùm nuôi trong lồng. Mùa vụ xuất hiện chưa rõ ràng, có thể gặp quanh năm.
Phòng trị bệnh
Hiện nay, có thể dùng kháng sinh tiêm trực tiếp cho tôm hùm nuôi trong lồng để trị bệnh sữa cho kết quả khả quan (theo Đỗ Thị Hòa và Nguyễn Hữu Dũng, 2007).
Dùng Oxytetracyclin tiêm cho toàn bộ tôm trong lồng đã bị nhiễm bệnh, liều tiêm 0,1 ml Oxytetracyclin 20%/kg thể trọng tôm.
Sau đó, cho tôm ăn thuốc bổ 1 – 2 tuần, như dùng 20 – 30 mg Vitamin C/kg thể trọng tôm/ngày.
3/ Bệnh đen mang
Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh đen mang ở tôm hùm bông nuôi lồng tại Khánh Hòa là do nấm Fusarium solani gây ra.
Dấu hiệu bệnh lý (hình 4)
Hình 4: Một số dấu hiệu nhận biết bệnh đen mang ở tôm Hùm Bông. A- mang tôm khỏe, B- mang tôm có màu nâu đỏ, C- mang tôm bị thương tổn, D- mang tôm có chấm màu đen, E- mang tôm bị phá hủy hoàn toàn. F, G- mang bị đen do mùn bả hữu cơ (theo Võ Văn Nha, 2009)
Tôm bị bệnh đen mang, mang có màu nâu đỏ ở những vùng tổn thương, các tổ chức mô tại vị trí này bị phá hủy so mang tôm khỏe. Tại vị trí tổn thương chuyển thành màu đen và lan rộng khắp cả mang, toàn bộ tơ mang bị phá hủy, làm tôm khó thở và thường ngoi lên mặt lồng/bè. Tôm mắc bệnh thường ít hoạt động và có nhiều ký sinh trùng bám trên vỏ làm tôm chậm lớn, màu sắc cơ thể thay đổi do các động vật đơn bào đã quy tụ xung quanh nó chất bẩn hữu cơ và tảo.
Phân bố và lan truyền bệnh
+ Mùa vụ: Xuất hiện chủ yếu từ tháng 5 – 9 hàng năm;
+ Giai đoạn tôm nuôi: Giai đoạn tôm thương phẩm, khối lượng >145 g/con;
+ Mật độ tôm nuôi: Ở mật độ nuôi nhỏ hơn 5 con/m2, nguy cơ xuất hiện bệnh đen mang thấp hơn so với nuôi ở mật độ hơn 5 con/m2
+ Vệ sinh lồng trong quá trình nuôi: Ở nhóm hộ nuôi có vệ sinh lồng, nguy cơ xuất hiện bệnh đen mang thấp hơn so với nhóm hộ nuôi không vệ sinh lồng.
Phòng trị bệnh
Áp dụng biện phòng bệnh tổng hợp: nuôi mật độ thưa
Dùng Formalin 200 – 300 ppm tắm tôm trong 30 – 60 phút, 2 ngày/lần, 3 lần liên tục để hạn chế bệnh đen mang ở tôm hùm bông.