Mô hình nuôi ngan pháp kết hợp gà lai đông tảo
Ông Đỗ Xuân Sơn ở thôn Đình Dù, xã Đình Dù (Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) lâu nay được nhiều người biết đến là một nông dân hiền lành, cần cù, chịu khó, năng động trong phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi ngan Pháp và gà lai Đông Tảo cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2016, ông học hỏi mô hình nuôi ngan Pháp và mạnh dạn xây sửa chuồng trại, mua hơn 1.000 con ngan giống về nuôi. Do chưa có kiến thức và kinh nghiệm nên lứa ngan đầu gần như mất trắng vì bị dịch bệnh, chết nhiều.
Không nản chí, ông Sơn vẫn quyết tâm tái đàn, vừa nuôi ông vừa học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước từ khâu chọn giống đến cách làm chuồng trại hợp lý, phòng chống dịch bệnh. Ngay cả việc cho ăn cũng phải hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của ngan để chúng hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất. Nhờ chịu khó mày mò học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi nên mô hình chăn nuôi ngan Pháp của ông phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, ông Sơn chỉ nuôi ngan mái chứ không nuôi ngan đực bởi ngan mái có chất lượng thịt thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng hơn ngan đực.
Một điểm khác biệt so với các mô hình chăn nuôi khác là chuồng nuôi ngan được ông đầu tư làm bằng vật liệu inox, chính vì vậy dễ dàng trong việc vệ sinh chuồng trại, tạo môi trường thoáng mát cho ngan sinh trưởng, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Bên cạnh đó, ông tận dụng khí biogas, thông qua vật dụng kim loại, để tiết kiệm chi phí điện năng trong chăn nuôi.
Theo ông Sơn, việc phòng bệnh cho ngan là rất quan trọng. Người nuôi phải phải tiêm phòng vắc xin cho ngan đầy đủ, nếu thấy ngan có dấu hiệu bị bệnh phải kịp thời cách ly để khỏi lây lan đến con khác. Ngoài ra, vào lúc chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột cần theo dõi và cho ngan ăn khẩu phần thức ăn hợp lý. Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ để phòng trừ các nguồn bệnh…
Nguồn thức ăn cho ăn ngan được ông phối trộn từ cám công nghiệp với cám ngô theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Ngoài ra, bổ sung thức ăn cho ngan ăn liên tục để ngan mau lớn, chắc thịt, diều nhỏ, dễ bán.
Bằng cách làm này, gia đình ông Sơn đã thường xuyên nuôi gối đàn hơn 1.000 con ngan Pháp. Mỗi lứa ngan nuôi trong khoảng thời gian 2,5 tháng, khi ngan đạt khối lượng từ 2,3 – 3kg/con là có thể xuất chuồng. Bình quân mỗi tháng gia trại xuất bán ra thị trường được 500 con ngan mái thương phẩm, bán với giá 55.000 đồng/kg, mang lại doanh thu từ 60 – 70 triệu đồng.
Từ năm 2017, ông Sơn còn nuôi thêm khoảng 500 con gà lai Đông Tảo thương phẩm. Cũng như ngan Pháp, ông Sơn chỉ chọn nuôi gà mái và nhập con giống từ khi gà mới nở. Gà nuôi trong thời gian 5 – 6 tháng đến khi gà đạt khối lượng từ 2,2 – 2,5kg/con thì xuất bán, giá bán gà dao động từ 80.000 – 85.000 đồng/kg.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Sơn nói: “Cũng với diện tích chuồng nuôi này, cách nay 4 năm vợ chồng tôi thường xuyên nuôi khoảng 20 con lợn, nhưng thu lãi cả năm mới bằng hơn 1 tháng nuôi ngan Pháp bây giờ, mà vốn đầu tư con giống lại cao gấp nhiều lần. Nếu không may bị rủi ro thì thất thoát rất lớn, khó có khả năng phục hồi đàn. Từ nuôi ngan Pháp và gà lai Đông Tảo như hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng”.