Mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng
Những năm qua, nhiều gia đình tại xã Đắk Liêng (huyện Lắk) phát triển mô hình nuôi vịt đẻ trứng. Đây là hướng đi mới, giúp người dân nơi đây vươn lên ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập cao.
Gắn bó với nghề chăn nuôi vịt thả đồng từ khi còn ở Huế, khi vào xã Đắk Liêng lập nghiệp, ông Cao Huy Quát (buôn M’liêng 2) tiếp tục bươn chải bằng nghề này. Sau nhiều năm chăn nuôi vịt thả đồng với nhiều khó khăn do không chủ động về nguồn thức ăn, phòng chống dịch bệnh… trong chăn nuôi, đến năm 2008, ông Quát mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng xây dựng nhà trại, quyết tâm chuyển sang phát triển mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng (nuôi nhốt). Để hạn chế rủi ro, dịch bệnh và đặc biệt là rút ngắn thời gian trong quá trình chăn nuôi, ông tìm mua 500 con vịt hậu bị (tức vịt đã được nuôi, theo dõi tỉ mỉ từ khi ấp nở đến khi bắt đầu đẻ trứng) ở các cơ sở chăn nuôi uy tín, có xuất xứ rõ ràng, giá giao động từ 70 – 100 nghìn đồng/con. Lứa vịt đầu tiên khá thành công, khi trứng được giá, có bao nhiêu trứng đều được thương lái tìm đến thu mua nên không tồn đọng, vất vả như nuôi vịt thả đồng.
Nhận thấy việc phát triển mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng mang lại hiệu quả cao, có thể phát triển lâu dài, mỗi năm ông Quát đều bỏ ra một phần chi phí để đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi, tăng số lượng đàn vịt. Đến nay, ông đã có một trang trại khang trang rộng 3.000 m2, với 4 nhà trại để chăn nuôi 6.000 con vịt. Ông Quát cho biết, nuôi vịt đẻ trứng không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng các yếu tố kỹ thuật, đặc biệt là khâu chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, do thời tiết thay đổi thất thường ảnh hưởng đến tỷ lệ đẻ của vịt nên nền chuồng phải cao ráo, bằng phẳng, thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông mới cho năng suất cao nhất. Tùy theo quá trình chăm sóc mà vịt có thể đẻ trứng liên tục trong vòng hai năm. Để bảo đảm năng suất, chất lượng trứng, sau hai năm ông thay lứa vịt một lần. Hiện nay trung bình mỗi ngày trang trại của ông thu được khoảng 5.000 trứng và được các nhà lò trong tỉnh đến tận nơi thu mua với giá 1.600 – 2.500 đồng/trứng. Ước tính, mỗi tháng sau khi trừ tất cả các chi phí ông thu về từ 50 – 80 triệu đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Mai (thôn Xóm Huế) cũng là một trong những hộ khá lên nhờ phát triển mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng. Sau hơn 3 năm đầu tư chăn nuôi, đến nay ông đã có một trang trại rộng hơn 4.000 m2 với tổng đàn vịt lên đến 3.500 con. Ông Mai cho biết, mỗi ngày gia đình thu khoảng 2.800 trứng, số trứng này được vận chuyển đến nhập tại các cơ sở thu mua trứng trong tỉnh, cho thu nhập từ 1,6 -1,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng hệ thống lò ấp trứng vịt lộn với quy mô 50.000 trứng/lần để chủ động đầu ra cho những lúc không bán được trứng. Ông Mai chia sẻ, việc phát triển mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng phải đối mặt với nhiều rủi ro do chưa thể kiểm soát được đầu vào, khi mua giống chỉ quan sát được bằng mắt thường. Trong khi đó, những năm gần đây dịch bệnh trên đàn gia cầm thường xuyên bùng phát khiến nhiều người chăn nuôi lao đao. Do vậy, việc phòng ngừa dịch bệnh luôn được ông chú trọng, thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng thường xuyên và tiêm phòng vắcxin theo đúng quy định. Đặc biệt, ông thường xuyên quan sát độ linh hoạt của vịt, nếu vịt có biểu hiện lạ thì kịp thời cách ly để theo dõi, tìm cách xử lý.
Theo ông Y Dương Nhơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Liêng, trên địa bàn xã hiện có 11 trang trại chăn nuôi vịt đẻ trứng với khoảng hơn 42.000 con đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng, giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để phát triển người chăn nuôi cần phải có một kiến thức nhất định, tỉ mỉ trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… mới phát triển mô hình này hiệu quả, lâu dài.