Lưu ý nuôi tôm khi hạn, mặn – Phần 1
Hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt, độ mặn trong môi trường nuôi tôm tăng rất cao. Bà con cần chú ý điều tiết, giảm độ mặn để đảm bảo quá trình phát triển ổn định của tôm nuôi.
Theo Th.S Mã Huy, PGĐ Trung tâm KN-KN Cà Mau, độ mặn lý tưởng để tôm phát triển tốt vào khoảng 15 – 25 phần nghìn, độ mặn tăng cao hơn tôm vẫn có thể tồn tại.
Tuy nhiên, khi độ mặn vượt ngưỡng 30 phần nghìn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của con tôm.
Cụ thể, độ mặn cao sẽ gây biến đổi một số thông số môi trường như PH, độ kiềm.
Bên cạnh đó, còn làm tảo trong vuông tôm phát triển nhanh, sinh nhiều khí độc… Đặc biệt, nguồn oxy trong nước sẽ càng tăng mạnh vào ban ngày, nhưng lại giảm tối thiểu vào ban đêm.
Khi đó, môi trường sẽ thiếu oxy, dẫn đến tôm thường nổi đầu vào lúc nửa đêm.
Hiện đang vào tâm điểm của mùa hạn hán, nhiệt độ luôn duy trì cao, lượng nước bốc hơi rất nhanh, độ mặn nâng cao từng ngày.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều người nuôi tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đã dùng nguồn nước giếng khoan bơm trực tiếp vào vuông tôm để giảm độ mặn.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, điều này rất không nên.
Độ kiềm trong nước giếng khoan luôn ở mức 300 mg/l trở lên.
Trong khi, độ kiềm phù hợp cho tôm phát triển chỉ ở ngưỡng 80 – 160 mg/l.
Khi độ mặn tăng cao, độ kiềm cũng tăng theo tỷ lệ thuận, bơm thêm nước giếng khoan vào, độ kiềm trong ao sẽ tăng lên nhiều lần.
Khi đó, vỏ con tôm sẽ bị cứng, tôm rất khó lột vỏ, chậm lớn.
Chưa kể đến hàm lượng các chất kim loại trong loại nước này luôn vượt mức cho phép, làm ảnh hưởng môi trường nuôi.