Luân canh rau màu trên ruộng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao
Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ sản xuất độc canh cây lúa sang luân canh cây màu trên ruộng lúa ( 2 vụ lúa – 1 vụ màu, hoặc 2 vụ màu – 1 vụ lúa) là một giải pháp mang lại hiệu kinh tế cao.
Nắm bắt được xu thế đó, nông dân huyện Mỏ Cày Bắc đã áp dụng rất thành công mô hình luân canh vụ màu trên chân ruộng. Anh Võ Văn Hoàng, xã Nhuận Phú Tân làm giàu nhờ mô hình lúa – màu (luân vụ lúa – dưa leo hoặc bắp). Gia đình có 6000m2 đất trồng lúa. Vụ Đông Xuân, anh dành 2 công để trồng màu còn lại sản xuất lúa. Vụ Hè Thu anh thấy trồng lúa không đạt năng suất cao nên anh mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sang trồng màu, chủ yếu trồng dưa leo, bắp hoặc khổ qua. Qua một vụ sản xuất cây màu (dưa leo) đạt 1,5- 2 tấn/1000m2 trừ chi phí lãi khoảng 7 –8 triệu đồng/ công.
Một nông dân tiêu biểu khác: anh Trần Tuấn Kiệt xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Với mô hình luân canh cây màu trên chân ruộng, anh chọn cây khổ qua làm cây trồng chủ yếu. Qua tiếp xúc được biết anh có kinh nghiệm trồng màu rất nhiều năm. Theo anh, luân canh cây màu lợi nhuận gấp 2- 3 lần so với sản xuất độc canh cây lúa. Anh tâm sự: “ Trồng màu coi vậy đó chứ không có dễ đâu, nhưng tôi thích trồng màu vì nó giúp cải tạo đất và hiệu quả kinh tế lại cao”.
Những mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao này, đã mở ra triển vọng chuyển dịch tích cực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Với phương châm đa dạng hóa cây trồng, mô hình luân canh khác nhau như: lúa – bắp, lúa – rau màu – bắp, lúa – dưa leo, … mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, luân canh cây màu là giải pháp cắt đứt nguồn sâu bệnh hại cho lúa. Nhờ vậy mấy năm qua năng suất lúa cũng khá hơn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV, giữ gìn hệ sinh thái bền vững./.