Lúa Trên Đất Nuôi Tôm Bị Úa Vàng Do Đâu?
Sau thời gian bị bỏ quên, trước tình trạng tôm nuôi chết kéo dài, giá cả sụt giảm, nhiều nhà nông quyết tâm gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm. Gieo cấy lúa vụ này vốn đầu tư thấp: không tốn tiền cày bừa, ít tốn tiền mua phân bón và thuốc trừ sâu.
Thế nên đi từ U Minh đến Thới Bình, từ Cái Nước đến Trần Văn Thời, từ Đầm Dơi đến Phú Tân, đâu đâu cũng thấy nhà nhà gieo mạ, người người dọn đầm tôm để cấy lúa. Năm 2008, tỉnh Cà Mau đặt kế họach gieo cấy 26.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, nhưng đến nay diện tích xuống giống đã lên đến 42.500 ha.
Ông Trần Văn Bửu ở ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh trồng lúa trên đât nuôi tôm từ nhiều năm nay. Ông canh tác trên đất rừng tràm. Dù năng suất không cao, nhưng được cái chi phí thấp, do không phải bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Năm nay, lúa tự nhiên úa vàng như “lúa đứng cái”.
Ông Lê Quốc Khanh, cũng ở ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh là người mới trồng lúa năm đầu. Lúa của anh cũng bị vàng, nhưng chỉ vàng những lá già. Thời gian trước, có cả loại sâu ăn trắng lá lúa. Nghe đài báo nói không cần diệt sâu khi lúa dưới 40 ngày tuổi, vả lại số lá bị phá hại ít, nên ông chưa phun thuốc để phòng trừ. Hiện nay lá lúa già vẫn tiếp tục bị vàng, có bụi đã mọc lên lá non, nhưng lác đác có bụi bị chết từng tép lúa. Ông Khanh nghĩ rằng lúa nhà mình bị bệnh đạo ôn.
Kỹ sư Lê Văn Út, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện U Minh cho biết: “Hiện tượng lúa bị vàng lá là do xì phèn và thiếu phân. Nên bón phân lân và urê, cây lúa sẽ xanh tốt trở lại”.
Việc trồng lúa trên đất nuôi tôm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, vừa giúp người nông dân có thêm thu nhập và có lợi cho môi trường nuôi tôm. Hy vọng rằng nhà nông tỉnh Cà Mau sẽ khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, thâm canh đúng mức để sản xuất thắng lợi 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2008.