Lợi và hại khi sạ dày
Không biết từ bao giờ, người nông dân ĐBSCL đã chọn phương pháp sạ giống lúa dày. Khi được hỏi, hầu hết bà con trả lời là sạ dày để bù lại do bị cỏ chụp, do chuột phá, do sâu bệnh và đặc biệt là ốc bươu vàng phá lúa…
Sạ thưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác cho năng suất lúa cao hơn sạ dày
Đến với sản xuất lúa thông minh
Không ít bà con nghĩ rằng sạ dày để lúa có nhiều bông, năng suất mới cao. Vì vậy vào thời kỳ lúa con gái khi thấy ruộng có nhiều cây, lá lúa chen kín lẫn nhau là bà con nghĩ rằng về sau sẽ có nhiều bông, ruộng lúa mới có năng suất cao.
Thấy ruộng lúa cây còn thưa bà con đem phân đạm ra bón thêm cho tốt hơn, xanh hơn mới thỏa mãn. Nghĩ như vậy cho nên thông thường bà con phải sạ mức giống khoảng 250 – 300 kg/ha hay 32 – 40 kg/công lớn, hay còn gọi là công tầm cắt (có kích thức 1.292m2), lấy tròn là 1.300m2.
Về mặt khoa học và thực tiễn, các nhà khoa học thấy rằng sạ dày là chỉ có hại, không có lợi. Vì những ruộng sạ dày thường cây lúa rất yếu, lại bón nhiều đạm nên cây dễ bị đổ ngã, chuột và sâu bệnh tập trung phá hại nhiều, cây lúa không đẻ thêm được chồi mới mà phần lớn là nhiều cây phải bị chết đi, tuy số bông có nhiều hơn nhưng số hạt chắc trên bông lại rất ít, tỷ lệ lép và lửng nhiều nên năng suất thấp.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều dẫn chứng để thuyết phục nhưng bà con vẫn không yên lòng. Thế rồi các chương trình “3 giảm 3 tăng” và sau đó là “1 phải 5 giảm” ra đời. Nhiều mô hình được các cơ quan và các nhà khoa học hỗ trợ xây dựng ở các tỉnh để thuyết phục bà con giảm bớt lượng giống gieo sạ. Thông qua các mô hình này nhiều bà con đã làm theo và đã giảm lượng giống sạ xuống chỉ còn 120 – 150 kg/ha. Một số ít đã giảm xuống còn 100 kg/ha. Nhưng không ít bà con vẫn còn giữ mức sạ 200 – 250 kg/ha. Sạ 120 – 150 kg/ha vẫn còn lãng phí.
Nghĩ vậy nên đã trải qua 2 năm, 3 vụ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với Cục Trồng trọt đã phối hợp với Cty CP Phân bón Bình Điền tổ chức chương trình “Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khi hậu”, thực hiện khắp 13 tỉnh ở khu vực ĐBSCL. Một trong nội dung của chương trình này là giảm lượng giống sạ xuống chỉ còn 80 kg/ha. 65 nông dân tham gia trong chương trình là những nông dân tiên tiến của 13 tỉnh.
Ngay từ khi tổ chức triển khai chương trình, không ít nông dân vẫn còn lo lắng, sợ không đủ bông để có năng suất cao. Vì vậy trong vụ đầu có một số nông dân đã tự động sạ thêm cho đủ 100 kg/ha. Hoặc vì chưa tin nên tự động cắm mốc để theo dõi số chồi so với ruộng đối chứng sạ 160 – 200 kg/ha.
Cũng nhờ động cơ đó mà làm cho các nông dân có tính năng động hơn, có tính học hỏi nhiều hơn. Khi tổng kết mô hình vụ đầu các nông dân trong mô hình đã thở phào và bắt đầu tin tưởng. Nhưng các vụ thứ 2, thứ 3 chuyển địa điểm để các nông dân mới được tham gia, các thành viên này cũng vẫn hồi hộp lo âu. Đến hết vụ thứ ba thì hầu hết những thành viên tham gia trong chương trình mới thực sự tin tưởng và hồ hởi làm theo.
Lợi – hại thế nào?
Tổng kết chương trình “Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” vụ HT 2016 chứng minh rằng: Không phải sạ lượng giống dày hơn là sẽ có nhiều bông mang lại năng suất cao mà ngược lại, sạ dày sẽ có hại nhiều hơn. Bằng chứng là so với đối chứng, bình quân 65 nông dân của 13 tỉnh sạ 141 kg/ha, mô hình chỉ sạ 80kg/ ha, và số chồi tối đa ruộng mô hình đạt được 847 chồi/m2, còn ruộng đối chứng đạt 1.014 chồi/m2 cao hơn ruộng mô hình là 167 chồi hay cao hơn 20%.
Như vậy quan điểm sạ dày có số chồi và số bông cho hạt cao hơn sạ thưa là đúng. Vì số bông của mô hình là 490 bông/m2 còn của đối chứng là 599 bông/m2. Nghe vậy tưởng là tin mừng. Nhưng điều kiện năng suất cao hay thấp là tổng số hạt chắc thu được là bao nhiêu?
Ở mô hình có 72 hạt/bông còn ở ruộng đối chứng chỉ có 57 hạt/bông, mỗi bông thua 17 hạt so với ruộng mô hình. Và tổng số hạt chắc trên m2 ở ruộng mô hình là 35.280 hạt, còn ruộng của nông dân chỉ có 31.148 hạt, thua đến 4.132 hạt/m2, dẫn đến năng suất ruộng mô hình là 6.393 kg/ha còn ruộng đối chứng chỉ có 5.904 kg/ha thua ruộng mô hình đến 496 kg/ha.
Tính toán hiệu quả kinh tế cho thấy ruộng mô hình thu được 33.107.000 đồng/ha còn ruộng đối chứng chỉ thu được 30.458.000 đồng/ha. Ruộng mô hình lợi nhuận được 17.160.000 đồng/ha, còn ruộng đối chứng lợi nhuận được 13.500.000 đồng/ha, ruộng mô hình có tiền lời cao hơn đối chứng 3.660.000 đồng/ha.
Và kết quả là ruộng mô hình sạ 80kg giống/ha có tỷ lệ lời đạt 52% còn ruộng đối chứng đạt 44,3%. Nếu tính cho cả vùng ĐBSCL, 1 vụ lúa HT có diện tích 1.650.000ha thì tiết kiệm được 100.650 tấn giống, đây là một khoản tiết kiệm đáng kể trong lúc giá lúa còn thấp mà giá giống lại cao.